Wn/vi/Sai lầm khiến viện dưỡng lão Thụy Điển trả giá

< Wn | vi
Wn > vi > Sai lầm khiến viện dưỡng lão Thụy Điển trả giá

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Gần một nửa ca tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển là người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão, nơi họ chậm trễ được cho nhập viện khi đổ bệnh.

Reza, cha của Lili Sedghi, không được bác sĩ khám vào ngày ông qua đời vì Covid-19 tại viện dưỡng lão ở phía bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Một y tá cho biết ông đã được tiêm morphine vài giờ trước khi chết, nhưng ông không được trợ thở, nhân viên cũng không gọi xe cứu thương.

"Không có ai ở đó, ông ấy chết một mình", Sedghi nói. "Thật không công bằng".

Gần 3.700 người chết vì nCoV ở Thụy Điển, hầu hết trên 70 tuổi, mặc dù nước này nhấn mạnh ưu tiên bảo vệ nhóm gặp rủi ro cao, trong đó có người già sống tại các viện dưỡng lão. Thụy Điển, với dân số hơn 10 triệu dân, không áp đặt hạn chế nghiêm ngặt như hầu hết châu Âu. Thủ tướng Stefan Löfven tuần trước thừa nhận "đã không bảo vệ được những người dễ bị tổn thương nhất, những người cao tuổi".

Thụy Điển đã cấm người bên ngoài đến thăm viện dưỡng lão từ ngày 31/3. Nhưng cũng như nhiều nước châu Âu khác, người thân, nhân viên và quan chức công đoàn lo ngại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã nhận quần áo bảo hộ quá muộn và trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, một số nhân viên có thể đã đi làm dù có triệu chứng Covid-19.

Hiện giờ, ngày càng nhiều nhân viên viện dưỡng lão chỉ trích giới chức y tế khu vực về các quy định không khuyến khích họ đưa người cao tuổi ở viện dưỡng lão đến bệnh viện và ngăn họ sử dụng biện pháp trợ thở mà không có sự chấp thuận của bác sĩ, kể cả chăm sóc cấp tính hay giảm nhẹ (giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng, đau đớn vào giai đoạn cuối đời).

"Họ nói với chúng tôi rằng không nên đưa bất cứ ai đến bệnh viện, ngay cả những người không quá cao tuổi", Latifa Löfvenberg, y tá từng làm việc tại một số viện dưỡng lão quanh Gävle, phía bắc Stockholm, vào giai đoạn đầu dịch bùng phát, nói.

"Một số người có thể còn rất nhiều năm để sống với người thân yêu, nhưng họ không có cơ hội vì không được đưa đến bệnh viện kịp thời", cô nói. "Họ ngạt thở đến chết. Thật khó khăn và đáng sợ khi chứng kiến cảnh tượng đó mà không thể làm gì".

Löfvenberg đang làm việc tại khoa chuyên điều trị người nhiễm nCoV trong một bệnh viện lớn ở thủ đô Thụy Điển. Cô nói rằng những bệnh nhân cô đang điều trị là bằng chứng cho thấy người cao tuổi không được nhập viện. "Chúng tôi không thấy nhiều người cao tuổi ở đây. Đa phần là những người trẻ hơn, sinh ra trong thập niên 90, 80, 70".

Một kỹ thuật viên y tế khẩn cấp tại Stockholm cho biết cô chưa từng được yêu cầu đến viện dưỡng lão với lý do liên quan đến Covid-19, dù được điều động làm thêm giờ.

Mikael Fjällid, nhà tư vấn người Thụy Điển về gây mê và chăm sóc đặc biệt, tin rằng "rất nhiều mạng sống" có thể được cứu nếu cư dân viện dưỡng lão được điều trị tại bệnh viện hoặc nếu nhân viên viện dưỡng lão được trao nhiều quyền sử dụng biện pháp trợ thở hơn, thay vì chờ đợi đội chuyên xử lý Covid-19 hay kỹ thuật viên y tế khẩn cấp.

"Nếu một người chỉ có hơn 20% cơ hội sống sót nếu không được can thiệp thì cũng có thể cơ hội sống sót sẽ tăng thêm 20% nữa nếu được trợ thở", Fjällid nói.

Các địa phương tự ra quy định về nhân lực và nguồn lực y tế ở Thụy Điển, nhưng theo chỉ dẫn quốc gia, bệnh nhân cao tuổi, dù ở viện dưỡng lão công hay tư, không nên tự động được đưa đến bệnh viện điều trị.

Thomas Linden, Giám đốc Y khoa tại Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc gia, cho biết các nhân viên nên cân nhắc giữa các lợi ích và rủi ro như lây nhiễm chéo trong bệnh viện và sự bất tiện khi điều chuyển bệnh nhân. Nhân viên y tế không được yêu cầu đối xử phân biệt với bệnh nhân chỉ dựa vào tuổi tác, nhưng họ có thể cân nhắc tuổi sinh học kết hợp với các yếu tố khác, Linden nói thêm.

Về chăm sóc giảm nhẹ, Linden cho rằng không bắt buộc phải trợ thở cho bệnh nhân và thừa nhận "các chuyên khoa và khu vực có ý kiến khác nhau về hiệu quả của việc trợ thở".

Gävleborg, nơi Latifa Löfvenberg từng làm việc khi dịch mới bùng phát, nói rằng nhu cầu của từng bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu và các y tá có thể gọi bác sĩ để đánh giá có cần cho cư dân viện dưỡng lão nhập viện không. Tuy nhiên, Gävleborg phản đối ý tưởng cho phép nhân viên viện dưỡng lão trợ thở cho bệnh nhân trong chăm sóc giảm nhẹ, vì việc này đòi hỏi đào tạo chuyên môn.

Christoffer Bernsköld, phát ngôn viên về lão khoa của mạng lưới y tế Region Stockholm, khẳng định có đủ nguồn lực để đảm bảo mọi bệnh nhân ở thủ đô được chăm sóc cấp tính hoặc giảm nhẹ. Ông chỉ ra rằng tại nam Stockholm có một bệnh viện dã chiến mới chưa sử dụng, cho thấy lý do người cao tuổi không nhập viện không phải vì thiếu giường bệnh.

Trong khi đó, những người chỉ trích chính phủ như Mikael Fjällid coi bệnh viện dã chiến là dấu hiệu cho thấy các quan chức ở thủ đô quá ngần ngại cho người cao tuổi nhập viện vì sợ nguồn lực quá tải, vì các bệnh viện dã chiến là hạ tầng cần thiết để đối phó nếu ca nhiễm tăng đột biến trong tương lai.

Khác với Thụy Điển, đại diện các viện dưỡng lão ở những nước châu Âu khác khẳng định người cao tuổi ở nước họ được điều trị đầy đủ.

Tại Anh, Hiệp hội Y tế Quốc gia nói rằng mọi người nhiễm nCoV đều được chăm sóc "bất kể họ bao nhiêu tuổi hay yếu đến mức nào". Hiệp hội Hỗ trợ Người già và Người khuyết tật Đức cho biết mọi bệnh nhân có triệu chứng Covid-19 đều được bác sĩ khám và không bệnh nhân nào không được chăm sóc. Trong một số trường hợp, toàn bộ người cao tuổi sống trong một viện dưỡng lão đều nhập viện. Nhiều viện dưỡng lão có sẵn thiết bị trợ thở khẩn cấp.

Hiệp hội Y tá Đan Mạch cho biết tất cả bệnh nhân cần trợ thở đều được nhập viện. Chính sách này có thể được xem xét lại nếu thiếu máy thở, tuổi tác không phải là yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề này.

Tuần trước, Thụy Điển thông báo giải ngân thêm 2,2 tỷ kronor (220 triệu USD) để đào tạo bổ sung cho nhân viên viện dưỡng lão, với mục tiêu tạo ra 10.000 vị trí y tế sơ cấp và nhân viên chăm sóc. Löfven cho rằng giờ không phải là thời điểm thích hợp để kiểm điểm. Một ủy ban quốc gia sẽ đánh giá cách xử lý dịch ở cấp địa phương, khu vực và quốc gia ngay khi qua giai đoạn khủng hoảng nguy hiểm.

Đó là một thông điệp nửa vui nửa buồn với người thân của những nạn nhân Covid-19 như Lili Sedghi, người mất bố vào tuần trước. "Tất cả những thứ họ làm đều không có hiệu quả, vì nhiều người sống tại cùng viện dưỡng lão với bố tôi đã chết", cô nói.

Nguồn dẫn

edit