Wn/vi/Nhiều người Việt mắc kẹt ở Nepal hơn hai tháng

< Wn | vi
Wn > vi > Nhiều người Việt mắc kẹt ở Nepal hơn hai tháng

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Nhóm gồm 19 người Việt ở Nepal, mắc kẹt từ cuối tháng ba do các biện pháp chống Covid-19, đang mong chờ một chuyến bay về nước.

"Trong số những người mắc kẹt, 16 người ở thủ đô Kathmandu, ba người ở hai tỉnh khác", Phước Lộc, đại diện của nhóm nói với VnExpress. Lộc là người thay mặt nhóm giữ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, cơ quan ngoại giao kiêm nhiệm Nepal và Bhutan.

Lộc đến Nepal từ ngày 9/3 để thực hiện kế hoạch leo một cung đường thuộc Everest và thăm Lumbini, nơi Đức phật ra đời. Khi đó, Việt Nam xuất hiện bệnh nhân thứ 17 và 16 ca nhiễm trước đã được chữa khỏi, trong khi Nepal ghi nhận chỉ một ca nhiễm. Sau khi hoàn thành chuyến đi về phía Annapurna Base Camp vào ngày 20/3, thấy dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, anh quyết định bỏ dở chặng đến Lumbini, đặt vé máy bay về Việt Nam vào hôm sau. Tuy nhiên, các chuyến liên tiếp bị hủy khi Nepal áp lệnh cấm đi lại từ ngày 24/3. Lộc đành chấp nhận ở lại sau khi đã "xoay đủ đường".

"Tôi định đi gấp rồi về sớm, vì đã sắp xếp từ lâu. Không ngờ Nepal nhanh chóng phong tỏa để chặn Covid-19", Lộc nói.

Tại Kathmandu, chọn hình thức homestay, anh không trả tiền phòng hàng ngày mà chịu tiền ăn và sinh hoạt phí (điện, nước) cho cả gia đình chủ nhà gồm ba người. Chủ trọ không có thu nhập do vắng khách du lịch vì Covid-19. Lộc ước tính mỗi tháng chi khoảng 300 USD. Người Nepal theo đạo Hindu nên không ăn thịt bò hay thịt lợn, thực đơn của họ chỉ có hai món chính là thịt gà hoặc thịt dê, ăn kèm với khoai tây và đậu hầm. Trong hơn hai tháng, Lộc sụt mất khoảng 6 cân vì không quen với đồ ăn. Anh cũng thấy bất tiện vì phải dùng nước được bơm trực tiếp từ giếng lên, không được lọc nên màu đục và có mùi.

Lộc lo ngại khi số ca nhiễm ở Nepal tăng hơn 3.700 ca, trong đó 14 ca tử vong. Những người Nepal ở gần nơi anh ở nói với nhau rằng "cứ đến 5h chiều là virus đi ngủ", nên có thể thoải mái đi lại. Họ vô tư nhổ nước bọt ngoài đường, không có thói quen rửa tay, dù thường xuyên ăn bằng tay.

"Tôi rất bất an, không dám ra đường vì sợ nhiễm bệnh", Lộc nói.

Lộc chủ động được tình hình tài chính, nhưng một số trong nhóm thỉnh thoảng phải đến nhà hàng nhận đồ ăn miễn phí.

Khi các nước đang nới dần các biện pháp phong tỏa, nhóm của Lộc chuẩn bị giấy tờ để có thể bay sang Bangladesh, nơi tập trung người mắc kẹt ở nước này và Sri Lanka, rồi bay về Việt Nam. Chi phí ước tính khoảng 1.500 USD mỗi người.

Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay thương mại, hỗ trợ hơn 5.000 người ở khắp nơi trên thế giới về nước tránh dịch. Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ đã liên lạc với nhóm, nhưng hiện chưa có thông tin chính thức về chuyến bay.

"Tôi rất mong sớm về Việt Nam, vì vừa lo về sức khỏe, vừa sốt ruột về công việc cần giải quyết ở nhà", Lộc nói.

Nguồn dẫn

edit