Thứ 5, ngày 31 tháng 12 năm 2020
Năm 2020 là một năm đầy biến động đã qua đi, bước sang năm mới 2021 với những điều mới mẻ. Cùng nhìn lại những sự kiện tiêu biểu và nổi bật nhất trong năm.
Hà Nội
editTổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025
editLà Đảng bộ lớn nhất cả nước, địa bàn bị tác động lớn của đại dịch COVID-19, nhưng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm chính trị rất cao, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, gương mẫu, bài bản Chỉ thị số 35-CT/TW của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Thành phố, lãnh đạo tổ chức thành công đại hội 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở Đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố thành công thực chất và trọn vẹn, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Đại hội đã vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự, phát biểu chỉ đạo tâm huyết và sâu sắc. Ngay sau Đại hội, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng, thực hiện 10 chương trình công tác lớn và chương trình hành động toàn khóa.
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
editLà địa bàn trọng điểm, có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, Thành phố đã kịp thời chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là tinh thần tự giác, tích cực, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, nhờ vậy đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt, không có ca tử vong.
Bên cạnh phòng, chống dịch hiệu quả, Thành phố đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế; đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tổ chức nhiều hoạt động kết nối với các địa phương về cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh trong Quý IV với mức tăng trưởng GRDP 5,77%. GRDP cả năm 2020 tăng 3,98%, gấp khoảng 1,4 lần bình quân chung của cả nước; chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát ở mức 2,67%; thu ngân sách ước đạt 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019.
Bảo đảm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Miễn, giảm, giãn thuế và các khoản phải nộp cho các doanh nghiệp hơn 25.000 tỷ đồng, bằng 30,9% của cả nước, chi hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 hơn 604 tỷ đồng; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố. Giải quyết việc làm cho 180.000 lao động, đạt 116% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp chung chỉ khoảng 2,3%, khu vực thành thị khoảng 3,22%, thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước
editNăm 2020, thành phố Hà Nội đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công, có sức lan tỏa nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội; 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 60 năm Hà Nội - Huế - Sài Gòn; Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc và Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025… Đây là những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy trong nhân dân Thủ đô và cả nước niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và Thủ đô.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị
editNgày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp Thành phố huy động được thêm nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong giai đoạn 5 năm tới; tạo cơ chế hỗ trợ, hợp tác hiệu quả giữa các quận và huyện trên địa bàn Thành phố. Thành phố đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành để sẵn sàng tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" trong bối cảnh đặc biệt
editNgay khi đợt dịch đầu tiên được kiểm soát, Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển" được Thành phố tổ chức ngày 27/6/2020. Đây là Hội nghị đầu tiên và lớn nhất trong nước, khu vực trong năm 2020 với hơn 2500 đại biểu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị, Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Thành phố cùng các nhà đầu tư ký 39 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD. Đây là sự khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của Thủ đô, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và ổn định cho các nhà đầu tư; khơi thông các nguồn lực cho phát triển…
Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật
editHoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước 2 năm, 07 huyện, thị xã và 367/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 96,3%); 23 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tăng trưởng 4,2% - là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Có gần 1.000 sản phẩm OCOP được công nhận, chiếm 35,52% sản phẩm OCOP của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Nhiều công trình giao thông lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng; giải quyết dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực và tạo chuyển biến cơ bản nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
editNhiều công trình thuộc hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của Thành phố (như: Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên…) đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, cải thiện bộ mặt đô thị. Hoàn thành trồng mới bổ sung 600.000 cây xanh. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động. Hoàn thành xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực. Tạo chuyển biến căn bản trong quản lý, thu gom, vận chuyển rác thải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chất lượng
editNăm học 2019 - 2020, cùng với cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học trên toàn Thành phố. Với tinh thần "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", Hà Nội đã kịp thời tổ chức các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai dạy học trên truyền hình và các phương pháp giáo dục từ xa để đảm bảo tốt nhất chương trình học, nhất là lớp cuối cấp. Qua đó góp phần duy trì nền nếp, chất lượng giáo dục và được nhân rộng ra cả nước về ứng dụng dạy và học trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; tại các kỳ thi quốc gia đạt 15 giải Nhất, 44 giải Nhì, 44 giải Ba và 41 giải Khuyến khích; tại các kỳ thi quốc tế đạt 338 Huy chương (88 HCV, 105 HCB, 111 HCĐ) và 34 giải Khuyến khích. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 toàn Thành phố đạt 99,17%.
Tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước" được phát huy mạnh mẽ
editNăm 2020, ngay sau khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên được khống chế, Thành phố đã liên tục tổ chức các sự kiện liên kết phát triển kinh tế, du lịch, tổ chức các Tuần văn hóa với các địa phương trong cả nước để góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong cả nước.
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, huy động các cấp, các ngành, doanh nghiệp và đông đảo người dân chia sẻ, hỗ trợ với tổng số tiền huy động được lớn nhất từ trước đến nay. Ủy ban MTTQ Thành phố đã nhận được sự đăng ký, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là 243,076 tỷ đồng; ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 124,8 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì biển đảo được 44 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo các cấp khoảng 83,1 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thăm hỏi, tặng quà, động viên các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ những hộ nghèo và người dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ…
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm
editTiếp tục bảo đảm quốc phòng thường xuyên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, gần 2.000 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, hội nghị quốc tế, hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37… Tỷ lệ tội phạm năm 2020 đã được kéo giảm 15,3%, trong đó tỷ lệ trọng án được khám phá đạt 95,3%. Tình hình tai nạn giao thông được cải thiện, giảm mạnh trên cả ba tiêu chí. Hình ảnh Hà Nội bình yên, là điểm đến an toàn, thân thiện ngày càng lan tỏa với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.
Thiên tai
editChưa bao giờ, nhiều loại hình thiên tai lại diễn ra dồn dập, trên một phạm vi rộng đến vậy. Từ đầu năm đến cuối năm 2020, từ Bắc vào Nam, nơi đâu cũng hứng chịu thiên tai.
Chúng ta sắp khép lại năm 2020 - một năm mà Việt Nam đã phải trải qua vô vàn khó khăn từ đại dịch COVID-19 đến thiên tai dữ dội liên tiếp ập đến.
Ở miền Bắc, hàng loạt trận dông lốc, mưa đá dữ dội đã xảy ra trên phạm vi rộng ngay từ đêm 30 và ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán. Chưa khi nào, mưa đã xuất hiện ở 31 tỉnh thành phố, kể cả ở những nơi chưa từng xuất hiện.
Phía Nam, những tháng đầu năm 2020, khu vực ĐBSCL đã phải trải qua hạn mặn lịch sử. 6/13 tỉnh thành công bố tình huống thiên tai khẩn cấp.
Tiếp đó, suốt từ tháng 5 đến tháng 8, miền Bắc và miền Trung phải trải qua một mùa hè nóng như đổ lửa. Trong đó, tháng 6, số ngày nắng nóng gần như kéo dài cả tháng.
Tháng 10 và 11, hiện tượng La Nina hoạt động mạnh khiến bão, mưa lũ dồn dập ập tới miền Trung. 42 ngày liên tiếp miền Trung phải hứng chịu trực tiếp 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 là một trong 2 cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung trong vòng 20 năm qua.
Bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ. Mưa đặc biệt lớn từ ngày 6/10 - 21/10, ở Hà Tĩnh đến Quảng Nam, với tổng lượng mưa lên tới hàng nghìn mm, cao hơn lượng mưa của cả 1 năm. 7 con sông lần lượt vượt mức lũ lịch sử, có nơi cao hơn mức lũ lịch sử cả mét. Ở Quảng Bình, có nơi ngập tới 3 - 5 m, hết mái nhà cấp 4.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2020 còn là năm xảy ra các trận sạt lở kinh hoàng. 3 vụ sạt lở nghiêm trọng tại Rào Trăng, Thừa Thiên - Huế; Hướng Hóa, Quảng Trị và Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc tại Quảng Nam khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích. Đến nay, công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại Rào Trăng vẫn đang được tiến hành.
Như vậy, với những gì đã xảy qua trong suốt năm qua, có thể thấy được sức tàn phá ngày càng khủng khiếp của thiên tai, sự bất thường của thời tiết ngày càng không theo quy luật.
Việt Nam đã đề xuất với Uỷ ban Bão Quốc tế xóa bỏ tên bão Linfa, cơn bão số 6 năm nay. Đây là việc làm khi một cơn bão gây thiệt hại quá lớn. Bão Linfa gây ra một thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất cho toàn bộ khu vực miền Trung Việt Nam.
Linfa góp phần tạo nên bối cảnh của miền Trung chỉ trong hơn 1 tháng mà có 5 trận lũ lớn. 11/14 tỉnh thành đều phải sống chung với ngập lụt, trải dài từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Trong đó, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam là nặng nề nhất. Ở khu vực này, 7 con sông đã đã thiết lập những mốc lũ kỷ lục mới, có nơi nước ngập đến 5m.
Khúc ruột miền Trung năm nay hứng chịu đa thiên tai. Lũ lụt và sạt lở chưa bao giờ lại dồn dập, quy mô rộng và gây thiệt hại nặng nề như vừa rồi. Trong đó, Quảng Nam là tâm điểm về sạt lở, 6 vụ sạt lớn với tổng số người chết, mất tích là 48 người trên tổng số 112 người.
Đặc biệt, trong ngày 28/10 chỉ trong vài giờ đồng hồ, 4 trận sạt lở kinh hoàng liên tiếp ập đến huyện Bắc Trà My và Phước Sơn. Trong phút chốc, sạt lở đã san phẳng cả bản làng ở xã Trà Leng. Ngoài ra, trận sạt lở ở tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ, Thừa Thiên - Huế hay sư đoàn 337, Quảng Trị cũng ám ảnh rất nhiều người, chỉ sau 1 đêm mà hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã bị vùi lấp trong lớp đất đá.
- Sạt lở đất miền Trung: Nhân tai hay thiên tai?
Trước thực tế này, đối với sạt lở, cộng đồng không chỉ xót xa với bà con của vùng bị hứng chịu mà còn rất ráo riết muốn tìm ra nguyên nhân của loại hình này để nhanh chóng hướng tới giải pháp ứng phó. Một tâm trạng cấp bách khác với những lần hứng chịu thiên tai trước đó.
Một vụ sạt lở đất chỉ xảy ra trong vài giây, lâu hơn là vài phút nên việc thoát thân được chỉ nhờ may mắn. Đến nay, con số thiệt mạng về người do hàng loạt vụ sạt lở đất xảy ra trong hơn 1 tháng qua đã là 112 người, nhiều hơn số người chết do bão và lũ cộng lại.
Trên các kênh mạng xã hội, phần lớn ý kiến đều cho rằng, chặt phá rừng là nguyên nhân hàng đầu của sạt lở đất. Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia, rừng mới chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân.
Chuyện tìm ra nguyên nhân của một loại thiên tai cũng lần đầu tiên được mang ra nghị trường. Đó là một trong những nội dung được các đại biểu kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thảo luận thẳng thắn và sôi nổi nhất.
- Mùa bão bất thường trên Biển Đông
Thiên tai thường ập đến khi chúng ta mất cảnh giác nhất. Chúng ta đã bắt đầu mùa xuân Canh Tý trong sự ngỡ ngàng. Thay vì một đêm giao thừa mưa thuận gió hòa, mưa đá lại trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh, thành của miền Bắc.
Thiên tai đang không còn tuân theo quy luật nữa và sẽ càng khắc nghiệt hơn. Chúng ta phải coi nó là một hiện thực bình thường mới và tìm cách để ứng phó với nó cũng như ứng xử hài hòa với thiên nhiên.
Những điều "lẽ ra" đối với khí hậu thế giới
edit2020 đã được kỳ vọng là năm mà tình trạng trái đất nóng lên sẽ giảm bớt và khí hậu có những tiến triển rõ rệt. Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở hai từ "lẽ ra".
Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5oC bất chấp COVID-19
edit2020 là một năm khắc nghiệt đối với cả thiên nhiên lẫn con người. Đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch v.v.. bị đình trệ một thời gian dài. Đó "lẽ ra" phải là một cơ hội hồi sinh phần nào cho khí hậu. Thế nhưng, dù lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu có giảm tạm thời do đại dịch, "sự nóng lên của hành tinh chúng ta vẫn chưa giảm", theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres.
Thậm chí theo báo cáo "United in Science 2020" do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố, nồng độ khí nhà kính vẫn đang ở mức cao kỷ lục và đang trên đà tiếp tục tăng.
Báo cáo cho biết: Lượng khí thải CO2 toàn cầu đã giảm 17% vào đầu tháng 4 do nhiều chính phủ áp đặt lệnh giãn cách xã hội và hạn chế đi lại vì COVID-19. Mức giảm này là "chưa từng có". Tuy đã giảm, lượng CO2 thải ra trong tháng 4 vẫn ở mức cao, tương đương với lượng khí thải của năm 2006. Và đến đầu tháng 6, khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, lượng phát thải CO2 hàng ngày trên toàn cầu đã phục hồi bằng với mức phát thải trong cùng kỳ năm 2019.
“ | Thế giới của chúng ta vẫn đi chệch hướng - còn rất xa - để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1,5 độ C. Nếu mọi thứ vẫn như cũ, nhiệt độ sẽ tăng 3 đến 5 độ so với mức thời kì tiền công nghiệp." | ” |
— Ông Guterres nói trong một cuộc họp báo tại Liên hợp quốc. |
Giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020 dự kiến là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận trên Trái Đất, với nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp là 1,1o C. Và năm 2020 hiện là năm ấm thứ hai được ghi nhận, chỉ sau năm 2019, theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Mịt mù Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sau 5 năm được kí kết
editTròn 5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn.
Các mục tiêu tham vọng được đặt ra. Hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Khoảng 5.000 người trong phòng họp gần như đều hân hoan với những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc, những tràng pháo tay giòn giã sau 13 ngày đàm phán căng thẳng.
Lẽ ra, 5 năm sau đó, thế giới phải được chứng kiến những kết quả đáng mừng. Bởi ngày 31/12/2020 tới là hạn chót về việc các quốc gia phải nâng mức cam kết cắt giảm khí thải. Nhưng cho tới nay, chưa đến 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu nộp được bản kế hoạch mới.
5 năm sau khi Thỏa thuận Paris được ký kết, hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, các chính phủ vẫn dè dặt trong chính sách về khí hậu.
Hiện tượng La Nina gây tác động giảm nhiệt, vẫn không cản trở được sự nóng lên của khí hậu
editNăm 2020, Trái Đất chứng kiến hiện tượng La Nina, khiến mùa mưa lũ trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu như El Nino là hiện tượng nước biển nóng lên, khiến nhiệt độ nhiều nơi trên Trái Đất cao kỷ lục, thì La Nina lại trái ngược hoàn toàn. La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, xảy ra sau khi hiện tượng El Nino kết thúc.
Hiện tượng La Nina có thể gây mưa lũ tại nhiều nơi trên thế giới. Thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, La Nina năm nay lại bắt đầu từ tháng 8, được dự báo sẽ kéo dài cho tới năm 2021. Đó là lý do vào cuối năm nay, thế giới liên tiếp đối mặt với những cơn bão mạnh tại Đông Nam Á, Nam Á và nhiều nơi ở Australia.
La Nina lẽ ra sẽ khiến khí hậu lạnh đi. Nhưng người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas lại đưa ra cảnh báo: "Ngay cả khi La Nina diễn ra trong năm 2020, tác động làm lạnh khí hậu của hiện tượng này cũng không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm khí hậu nóng lên."
Những trái đắng biến đổi khí hậu không thể được ngăn cản bằng hai từ "lẽ ra"
editHệ quả của nhiệt độ tăng đã hiện hữu. Trong năm 2020, các đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng hủy diệt, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng liên tục xảy ra, cướp đi hàng nghìn sinh mạng, khiến cuộc sống của người dân nhiều nơi trở nên điêu đứng. Một số vụ thiên tai điển hình có thể kể đến:
Cháy rừng ở Australia (Tháng 10 năm 2019 - Tháng 3 năm 2020)
editBắt đầu từ tháng 10/2019 do hạn hán kéo dài trên khắp đất nước, trong vài tháng tiếp theo, đám cháy lan nhanh và rộng, không có dấu hiệu dừng lại, khiến Australia phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều bang.
Với mức độ thiệt hại ước tính khoảng 18 triệu ha, hơn 9000 tòa nhà và ngôi nhà bị phá hủy, cháy rừng đã cướp đi mạng sống của hơn 400 người, đây được coi là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất.
Lũ lụt tại Indonesia (Tháng 1/2020)
editLũ lụt xảy ra ở thủ đô Jakarta của Indonesia và khu vực xung quanh do cơn mưa lớn khiến nước sông tràn bờ. Ít nhất 66 người đã thiệt mạng và 60.000 người phải sơ tán trong trận lũ lụt tồi tệ nhất ở khu vực kể từ năm 2007.
Đại dịch châu chấu sa mạc (6/2020)
editĐây là một trong những cuộc tấn công địch hại tồi tệ nhất trong gần 26 năm, sự gia tăng đột ngột của những con châu chấu sa mạc ở nhiều quốc gia Châu Phi cho tới châu Á như Ấn Độ, Bangladesh xảy ra do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng giúp cho việc sinh sản và sinh sống của châu chấu thuận lợi hơn.
Và còn rất nhiều vụ thiên tai khác của năm 2020 như cháy rừng ở Mỹ, mưa bão tại châu Á, Trung Mỹ khiến cuộc sống người dân trên thế giới điêu đứng.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nếu như các nước không thực hiện tốt mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu, trong vòng 30 năm tới, người dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ mất an ninh lương thực gia tăng cho đến hạn hán ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên. Số người sống ở các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng từ 42% đến 95%, tương đương 2,7 đến 3,2 tỷ người. Người dân ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á sẽ phải đối mặt với việc giảm lượng nước cung cấp nhiều nhất.
Xây dựng một xã hội ứng phó với thảm họa
editViệc làm chậm lại quá trình nóng lên của trái đất là điều mà các quốc gia vẫn đang nỗ lực thực hiện. Nhưng từ nay cho tới lúc thế giới có thể nhìn thấy một kết quả rõ ràng, chắn chắn vẫn sẽ còn nhiều đợt thiên tai diễn ra.
Vậy nên, để chống chọi lại với những thảm họa thiên nhiên trong ngắn hạn, người dân các nước cần học cách "sống chung với lũ" bằng cách xây dựng những cộng đồng và cơ sở hạ tầng để ứng phó với thảm họa.
Đây là một số thiết kế mà các chuyên gia xây dựng cho rằng có thể chống chọi với thiên tai trong tương lai:
Những tòa nhà mái vòm
editKiến trúc mái vòm đã ra đời từ những năm 1910 và phát triển đến nay. Các chuyên gia cho rằng kiểu nhà mái vòm có thể giải tỏa bớt sự cản gió, bão trong thiên tai. Dạng nhà chắc chắn này còn có thể được xây dựng nhanh chóng.
Những công trình nổi
editMột số kiến trúc sư khác thì tin rằng các khu dân cư nên tồn tại hài hoà với nước, thay vì chống lại mỗi khi có lão lụt. Đó là lý do chúng ta nên xây dựng thêm nhiều công trình trên mặt nước hơn là trên đất liền. Tình trạng mực nước biển dâng cao cũng là một thực tế mà các thành phố cần phải chấp nhận và chuẩn bị phương án đối phó.
Những công trình ẩn mình với thiên nhiên
editThay vì xây dựng các tòa nhà trên mặt đất, những tòa nhà này - thường được xây dựng nương theo các cấu trúc tự nhiên của sườn đồi, tiết kiệm diện tích và năng lượng. Việc được thiên nhiên che chắn bớt cũng giúp những ngôi nhà này tránh được nhiều thiệt hại trước mưa to gió lớn, thậm chí là cả cháy rừng.
Đại dịch COVID-19
editĐại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới, biến 2020 thành năm khó khăn, thử thách chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế.
Ngày 11/2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tên chính thức cho căn bệnh gây ra bởi virus mới. Tên của bệnh này "coronavirus 2019", viết tắt là COVID-19. Trong đó, "CO" là viết tắt của gốc "corona", "VI" viết tắt cho virus và "D" có nghĩa là "disease" – "dịch bệnh". Suốt cả một năm qua, COVID-19 đã reo rắc những cái chết, những nỗi buồn và sự chia ly.
"C – challenge"
edit"Thách thức" chính là bài toán mà căn bệnh này đặt ra cho loài người. Con người dường như chưa bao giờ, hoặc chí ít là phải hàng trăm năm nay, mới rơi vào tình trạng "bối rối" vì căn bệnh mới. Còn nhớ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan sang các nước và khu vực khác, WHO đã liên tục thay đổi cách gọi tên dịch bệnh và cả cách ứng phó với nó.
Có thể nhiều năm sau, thế giới sẽ còn nhắc tới 2020 như một năm hết sức đặc biệt với những thách thức đặc biệt "chưa từng có tiền lệ" như là việc cả một thành phố Vũ Hán phải phong tỏa, rồi các nước lần lượt đóng cửa biên giới. Cỗ máy trái đất giống như bị tắt cầu dao, ngừng mọi hoạt động không thiết yếu. Một chiếc lồng vô hình ngăn cách từng người, từng nhà, từng thành phố, từng quốc gia. Liệu con người sẽ phải vượt qua thách thức này như thế nào đây?
"O – opportunity"
editCon người không chịu bỏ cuộc, đó là điều chắc chắn! Và chúng ta đã biến những thách thức mà con virus bé nhỏ mang đến thành cơ hội để hướng tới một cuộc sống bình thường kiểu mới.
Đây là "Cơ hội" để các quốc gia nhìn lại và thay đổi cuộc sống hàng ngày,thay đổi cách chúng ta chăm sóc sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, cách chúng ta thích ứng với điều kiện sống ngày càng khó khăn hơn.
Chúng ta đã biến những áp lực mà dịch bệnh mang lại thành "Cơ hội" để phát triển khoa học công nghệ, cải tiến và đơn giản hóa cách thức làm việc, dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình thay vì nhiều giờ làm việc tại văn phòng và những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng với bạn bè.
COVID-19 cũng đã khiến hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh tư nhận phải lao đao, nhưng đây cũng là thời điểm để chuyển đổi số toàn diện. Nền kinh tế, giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe đều có những bước tiến dài về số hóa.
"V – vaccine
editKhi "vaccine" chưa được phát triển thành công, thế giới chỉ biết áp dụng triệt để các quy tắc phòng dịch là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người đối diện và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
"V" – "vaccine" – "victory" có lẽ là những từ được nhắc đến khá nhiều trong năm vừa qua. Những bước đột phá trong phát triển vaccine được ví như "ánh sáng le lói phía cuối con đường hầm dài tăm tối mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch COVID-19".
Công nghệ nghiên cứu và phát triển vaccine vốn phải mất hàng năm, thậm chí cả thập kỷ, thì nay dưới sức ép của dịch bệnh, Sputnik V do Nga sản xuất là vaccine đầu tiên được cấp phép sử dụng khẩn cấp trên thế giới, với mức độ hiệu quả hơn 90%.
Nhiều nước đang triển khai tiêm vaccine đại trà cho người dân. Ví dụ như tính đến hôm nay, đã có hơn 1 triệu người Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19.Tuy nhiên, WHO khẳng định vaccine không phải là "phương thức nhiệm màu" giúp chặn đứng đại dịch ngay tức khắc, việc chủng ngừa chỉ là một trong những công cụ chính và hiệu nghiệm trong bộ công cụ hoàn chỉnh cần có để đẩy lùi đại dịch. Chưa kể những khó khăn về hậu cần, bảo quản vaccine và những hạn chế về năng lực sản xuất trong thời gian đầu, thì bài toán khó về phân phối đồng đều giữa các nước giàu và nghèo cũng sẽ cản trở năng lực phòng bệnh toàn cầu của thứ vũ khí này. Chặng đường này sẽ còn như dài hơn nếu các quốc gia mất đi sự đoàn kết chống dịch.
Chính vì thế, "Toàn cầu" là yếu tố then chốt trong cuộc chiến trường kỳ này.
Trong làn sóng dịch thứ nhất, có thể nói thế giới đã đi từ bất ngờ, chủ quan với những quan điểm "miễn dịch cộng đồng" giai đoạn đầu sang chủ động ứng phó hơn. Hầu hết các nước đã đồng loạt chống dịch bằng những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ như phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa biên giới… với hy vọng có thể chặn đứng đà lây lan của virus.
Lần đầu tiên, những cuộc đoàn tụ không có bắt tay và ôm hôn, những thỏa thuận được ký qua màn hình, những đám cưới mà cô dâu chú rể được cha mẹ hai bên chúc phúc "online", những chiếc ipad để ảnh chân dung và nhận hộ bằng cho các cử nhân trong lễ tốt nghiệp...
COVID-19 là dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp và quốc tịch. Những nguyên thủ như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… đều không miễn nhiễm. "Tâm dịch" thế giới từng gọi tên Trung Quốc thời gian đầu, nhanh chóng chuyển sang Italy, Tây Ban Nha ở châu Âu hồi cuối tháng 3, rồi Iran, Ấn Độ ở châu Á, và giờ Mỹ đang đứng đầu danh sách những quốc gia bị tổn hại nhất vì COVID-19.
Chính vì virus không có điểm dừng, nên nỗ lực của con người cũng phải không có giới hạn. Ấy vậy mà rào cản duy nhất lại là sự nghi ngờ chính những nỗ lực toàn cầu của một bộ phận người dân tại một số quốc gia trên thế giới.
"D - doubt"
edit"Nghi ngờ" về khả năng bảo vệ của chiếc khẩu trang để rồi kỳ thị những người đeo. Đã có nhiều trường hợp người dân châu Á bị tấn công, bị chửi bới chỉ vì đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng. Hay là "nghi ngờ" về tính an toàn của vaccine ngừa COVID-19, lo sợ những tác dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Một câu chuyện đau lòng được nhân viên y tế tuyến đầu ở Mỹ chia sẻ với hãng tin CNN về thời điểm số ca mắc bệnh ở nước này đã lên đến hàng triệu, vẫn có trường hợp bệnh nhân nặng phải thở máy liên tục từ chối lấy dịch xét nghiệm chỉ bởi vì họ "không tin có virus SARS-CoV-2 tồn tại", họ "không tin bản thân đã bị mắc COVID-19".
Những hội nhóm "anti-mask" và "anti-vaccine" mọc lên như nấm trên các mạng xã hội, đến mức giới chức các nước phải liên tục kêu gọi người dân hãy tin tưởng vào khoa học, không tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhận định rằng trong đại dịch COVID-19, sẽ "không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn". Giới khoa học mô tả đại dịch COVID-19 bao phủ Trái Đất như một đám cháy rừng ngày càng lan rộng, chỉ cần một điểm lửa vẫn âm ỉ thì sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện các đám cháy bùng phát tại các địa điểm khác.
Hỏa hoạn chỉ qua đi khi tất cả các đám cháy đều được dập tắt. Điều này lý giải cho các đợt bùng phát dịch mới ngay ở những nơi từng là "điểm sáng" chống dịch là New Zealand, là Hàn Quốc, là Anh, lý giải cho "Giáng sinh phong tỏa" của năm 2020.
Nhưng rồi thế giới cũng thay đổi cách tiếp cận "mạnh ai nấy làm", kỳ thị và chia rẽ sang những hành động chia sẻ và đoàn kết trong đại dịch.
"Chưa từng có tiền lệ"
editMất hơn 3 tháng từ khi dịch xuất hiện đến khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca (ngày 3/4), nhưng chỉ gần 3 tháng sau tốc độ lây lan tăng gấp 10, lên 10 triệu ca (ngày 28/6).
Từ mốc 10 triệu lên 20 triệu là 6 tuần (ngày 10/8 ), nhưng từ mốc 50 triệu ca (ngày 8/11) lên 60 triệu ca chưa đến 3 tuần (ngày 25/11) và từ 60 triệu lên 70 triệu chỉ còn 15 ngày (ngày 11/12).
Nếu liệt kê những "dấu mốc" của đại dịch thì không nước nào qua mặt Mỹ với những danh hiệu cũng chẳng ai muốn nhận: là quốc gia đầu tiên ghi nhận mốc 100.000 ca mắc, 1 triệu ca, 10 triệu ca, rồi mốc 50.000 rồi 1 triệu ca tử vong. Đến thời điểm này, cứ trung bình 4 ngày Mỹ ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày hơn 3.000. COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ của nước Mỹ với trên 19,4 triệu ca mắc và hơn 339.000 ca tử vong.
Khi chỉ còn 3 ngày đếm ngược để bước sang Năm mới 2021, hầu như cả thế giới đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước ở làn sóng thứ ba và có nơi đang chống chọi với làn sóng dịch lần thứ tư thì sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh buộc thế giới thừa nhận đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi.
Trong suốt một năm, thế giới đã trải qua nhiều đêm u tịch với những tiếng còi cấp cứu hú dài trên từng tuyến phố, người dân mỗi tối dành những tràng pháo tay cảm ơn các nhân viên tuyến đầu. Những lời hát cất lên từ ban công của các hộ gia đình tìm cách giao lưu từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, những lớp học trực tuyến, những ngày "đi chợ" trên điện thoại thông minh và những buổi họp gia đình "qua màn ảnh nhỏ". Những hành động thường ngày khó chấp nhận được như ôm điện thoại online, hay ngủ nướng thì giờ đều được khuyến khích duy trì.
Nỗ lực loại bỏ Đại dịch COVID-19
editNếu tồn tại khả năng miễn dịch vĩnh viễn thì COVID-19 có thể sẽ biến mất sớm nhất là năm 2021.
Nếu khả năng miễn dịch tồn tại trong thời gian trung bình, dịch có thể biến mất trong 1-2 năm tới rồi sẽ trở lại.
Còn nếu khả năng miễn dịch ngắn hơn, thế giới có thể sẽ phải đương đầu với COVID-19 như với dịch sốt xuất huyết, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người mỗi năm mà tới nay vẫn chưa có thuốc chữa hay vaccine phòng bệnh hiệu quả.
Giới chuyên gia cho rằng tương lai phụ thuộc nhiều vào cách đời sống xã hội trở lại tình trạng bình thường, cũng như những điều người dân và các chính phủ làm để ngăn chặn dịch bệnh. Các mô hình dự báo và thành công trong phòng dịch đạt được thời gian qua đều cho thấy sự thay đổi về hành vi của con người sẽ giúp giảm tốc độ lây lan nếu tất cả mọi người đều tuân thủ các quy định phòng dịch. Nhiều bằng chứng ban đầu đều cho rằng khi người dân thay đổi hành vi cá nhân, duy trì thói quen giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, thì làn sóng dịch mới sẽ được kiềm chế lâu hơn.
Năm 2020 đang dần khép lại với những thay đổi khó có thể ngờ tới, những điều "chưa từng có tiền lệ". Đại dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều mạng sống, gây những tổn thất nặng nề trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội mà phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục hết, nhưng cũng chính đại dịch đã mang lại cho thế giới cơ hội để nhận thấy những giá trị tốt đẹp mà lâu nay cuộc sống công nghiệp có thể khiến con người không kịp nhìn ra.
Virus SARS-CoV-2 dường như đã tạo ra một vách kính vô hình ngăn cách mỗi người, song lại nhắc nhở về một cuộc sống với niềm vui đơn giản là được xích lại đủ gần để sẻ chia và an ủi, để tạo ra nguồn sức mạnh quý giá nhất giúp con người vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.
Con người đang nỗ lực từng ngày để lịch sử không cần phải lưu lại:
"Trái đất, năm COVID-19 thứ nhất"
Khẩu trang - Hành trình từ phụ kiện đến món đồ chống dịch COVID-19 không thể thiếu
edit2020 là một năm khác biệt. Đây là năm mà một phụ kiện như chiếc khẩu trang, vốn trước nay người dân châu Á thường dùng để bảo vệ da mặt trước tác hại của bụi bẩn, ánh nắng. Thế nhưng, giờ thì nó đã ở một tầm cao mới, là thứ giúp người dân toàn thế giới sử dụng bảo vệ sức khỏe trước kẻ thù vô hình COVID-19.
Lợi ích của đeo khẩu trang mùa dịch
editKhi dịch COVID-19 bắt đầu lây lan, nhiều chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang, để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Nguyên nhân là vì khẩu trang giúp giảm thiểu việc bạn hít thở trực tiếp các giọt không khí có chứa virus và các tác nhân gây bệnh khác. Khẩu trang y tế thường có 3 lớp có hiệu quả rõ rệt. Lớp ngoài cùng của khẩu trang là lớp nilon sẽ giúp ngăn virus đi thẳng vào mũi. Khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh, việc đeo khẩu trang cũng giúp ngăn ngừa virus xâm nhập trực tiếp qua đường hít thở, nếu người đó hắt hơi, ho hoặc nói chuyện.
Từ phản đối cho đến chấp nhận
editMặc dù khẩu trang đã được chứng minh rằng có hiệu quả bảo vệ con người khỏi sự lây lan của dịch COVID-19. Thế nhưng, nhiều người Mỹ vẫn không chịu sử dụng nó trong một thời gian dài. Họ thậm chí còn biểu tình, chống lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Có thể nói, nhà chức trách Mỹ đã phải đau đầu với việc thuyết phục người dân có ý thức và chấp nhận việc đeo khẩu trang là bảo vệ bản thân và cả cộng đồng.
Theo khảo sát của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ hồi tháng 6, có khoảng 17,1% người tham gia trả lời cho biết họ hiếm khi, hoặc không bao giờ đeo khẩu trang nơi công cộng. Với khảo sát của HuffPost/YouGov thì con số nói không với khẩu trang còn cao hơn 23%. Và số liệu trên tạp chí Forbes thì lại lên tới 45% người dân Mỹ từ chối sử dụng khẩu trang.
Điều đáng chú ý nhất, chính là lý do mà những người dân Mỹ đưa ra cho sự ghét bỏ của mình đối với khẩu trang, sản phẩm giúp họ bảo vệ sức khoẻ. Theo kênh truyền hình CNN, nhiều người Mỹ cảm thấy đeo khẩu trang khiến họ cảm thấy mình yếu đuối và không thoải mái. Một số người lại tin rằng mình rất khỏe nên không muốn dùng khẩu trang. Số khác lại cho rằng khẩu trang sẽ che đi biểu cảm của khuôn mặt, ảnh hưởng tới giao tiếp, đặc biệt là đối với những người khiếm thính vốn sử dụng đọc khẩu hình để giao tiếp.
"Vấn đề của tôi là không nghe được mọi người nói. Từ bé tới lớn, tôi chỉ nhìn khẩu hình miệng của mọi người để giao tiếp với họ. Mọi người đeo khẩu trang, khiến tôi không thể biết ai nói gì. Tôi cảm thấy khá lạc lõng", Ông Michael Conley, người khiếm thính tại Mỹ kể lại trải nghiệm của ông với khẩu trang mùa COVID-19.
Ngoài ra, trên mạng xã hội tại Mỹ còn có những tin đồn thất thiệt khiến nhiều người hoang mang về tác dụng của khẩu trang. Ví dụ như, có tin sai sự thật nói rằng khẩu trang đầu độc người sử dụng, nó người đeo thiếu oxy, và hít nhiều CO2 hơn.
Kênh truyền hình CNN có giải thích thêm nguyên nhân sâu xa mà người dân Mỹ không đeo khẩu trang chính là vấn đề chính trị. CNN nhận định: Sự kháng cự của người dân Mỹ với khẩu trang chỉ là một ví dụ mới nhất về sự vật lộn của nước Mỹ đã kéo dài nhiều năm qua. Sự vật lộn đó được CNN chỉ ra là quyền tự do cá nhân và việc đưa ra luật của nhà chức trách.
Không chỉ tại Mỹ, phong trào chống lại đeo khẩu trang còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Slovakia. Thậm chí những cuộc biểu tình chống khẩu trang còn kéo dài tới tận tháng 9 vừa qua.
Tuy nhiên, đến giờ trước sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 cũng như những hậu quả chết người được ghi nhận mỗi ngày trên thế giới, nhiều người dân đã dần dần thay đổi quan điểm từ chống khẩu trang sang ủng hộ đeo khẩu trang.
Sự biến hóa của khẩu trang mùa dịch
editTrong khi một số người coi khẩu trang là thứ giúp mình tránh được sự lây lan của COVID-19, một số khác đã nâng nó lên tầng cao mới. Nhiều người đã sáng tạo ra những chiếc khẩu trang có vẻ ngoài thời trang hơn, nhí nhố hơn, và thậm chí ngon lành hơn. Ví dụ như tại Mỹ, đã có công ty thêm mùi vị thịt xông khói vào khẩu trang, để cuốn hút người dùng bằng mùi hương.
Các thương hiệu thời trang xa xỉ như Yves Saint Laurent, Balenciaga, Gucci, Chanel vào cuộc đua sản xuất khẩu trang. Ban đầu là để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng đến giờ, các sản phẩm khẩu trang của các hãng đã được định hình là khẩu trang cao cấp. Một công ty trang sức của Israel có tên Yvel, thậm chí còn thiết kế một chiếc khẩu trang phòng COVID-19 được cho là đắt nhất thế giới. Chiếc khẩu trang này trị giá 1,5 triệu USD. Nó được làm từ vàng trắng và có đính 3.600 hạt kim cương trắng và đen. Chiếc khẩu trang này có khối lượng 270 gam sẽ phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn của một chiếc khẩu trang N99.
Không chỉ vậy, đến những cửa hàng đồ cưới cũng làm khẩu trang cho các cặp đôi, để ngày cưới của họ trở nên an toàn hơn.
"Ban đầu nhiều người đặt mua khẩu trang chỗ tôi vì nguồn cung thiếu hụt. Thế rồi, tôi nghĩ tới thiết kế khẩu trang cho các cặp đôi trong ngày cưới, để truyền tải thông điệp ủng hộ đeo khẩu trang, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh bạn", Chị Vesna Sposa, chủ cửa hàng váy cưới tại Croatia chia sẻ.
Những chiếc khẩu trang ngoài được nâng tầm chất liệu, thiết kế, còn được ứng dụng cả những công nghệ hiện đại. Nhờ thế, những chiếc khẩu trang càng có hiệu quả chống dịch.
"Bạn có thể thêm các thiết bị thông minh như cảm biến hô hấp, kiểm tra độ ẩm của màng lọc trong khẩu trang, từ đó biết được là đã đến lúc thay khẩu trang mới hay chưa", Ông Ashok Sridhar, Chuyên gia nghiên cứu tại Holst Centre cho biết.
Có thể nói, sau gần 1 năm chống dịch, đến giờ, chiếc khẩu trang đã vượt qua vị trí của một phụ kiện, mà trở thành một phần không thể thiếu để cùng con người vượt qua COVID-19.
Những người hùng thầm lặng
editTrong những bộ đồ bảo hộ kín mít, chẳng dễ dàng phân biệt khuôn mặt của từng nhân viên y tế. Nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, đó là sự tận tâm của những người hùng.
Một cuộc "lên đường" quy mô lớn
editKể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái ở Vũ Hán, Trung Quốc, một cuộc "lên đường" quy mô lớn đã diễn ra khắp nơi trên thế giới, với các bác sĩ, y tá, chuyên gia xét nghiệm, nhân viên hậu cần y tế - những người không ngần ngại đến những nơi đại dịch đang bùng phát.
Bà Liu Chun, một bác sĩ chuyên khoa hô hấp cùng 129 bác sĩ khác tại bệnh viện của mình đã tình nguyện đến Vũ Hán vào đầu tháng 2 - khi ấy là tâm dịch COVID-19 của thế giới. Các tình nguyện viên đã khóc vì sợ hãi trên chuyến bay đến Vũ Hán, thậm chí có người đã viết di chúc. Tuy nhiên, họ vẫn quyết tâm ra tuyến đầu.
"Phải đi" cũng chính là suy nghĩ của bác sĩ chuyên khoa phổi Rebecca Martin, 44 tuổi ở Mountain Hope, bang Arkansas, Mỹ.
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố New York hồi mùa xuân năm nay, bác sĩ Martin đã bắt một chuyến bay gần như trống không đến New York, hạ cánh xuống một thị trấn ma - không có bóng dáng người đi bộ trên vỉa hè, không có ô tô trên đường - và lên đường đến Trung tâm Y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn để tình nguyện phục vụ.
“ | Thật kinh hoàng. Có quá nhiều điều mà chúng tôi chưa biết về COVID-19 | ” |
Chị đã ở trên tuyến đầu chống dịch tại New York suốt một thời gian dài, giờ đây trở lại Arkansas, chị cũng đang chiến đấu với làn sóng COVID-19 thứ 3 ở Trung tâm Y tế Khu vực Baxter, làm việc 12 đến 14 giờ đồng hồ mỗi ngày. "Chúng tôi sẽ chăm sóc cho cộng đồng của mình," chị nói một cách đơn giản.
“ | Trong 15 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người tử vong đến vậy. | ” |
— Bác sĩ Alan Roth, 60 tuổi, chủ nhiệm khoa y học gia đình tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Jamaica ở Queens, New York cho biết |
Ông đã mắc COVID-19 vào tháng 3 và hiện đang bị hội chứng kéo dài, vẫn phải vật lộn với nhiều tháng mệt mỏi sau khi giai đoạn cấp tính của bệnh qua đi. Nhưng ông vẫn không từ bỏ vị trí nơi tuyến đầu khi làn sóng dịch thứ 3 ập vào Mỹ.
"Tôi đã làm việc 7 ngày một tuần trong nhiều năm của cuộc đời mình, nhưng chưa bao giờ kiệt sức về thể chất và cảm xúc như bây giờ," ông nói.
Trên khắp thế giới, đã có nhiều sự cống hiến, hy sinh tương tự. Không chỉ riêng nhân viên y tế phải gánh vác trọng trách đó. Giáo viên, nhân viên ngành dịch vụ ăn uống, nhân viên ngành dược hay người làm dịch vụ thiết yếu đều đã làm những công việc anh hùng. Nhưng chính các nhân viên y tế là người dẫn đầu.
Họ đã đảm nhận công việc khi đại dịch mới xuất hiện, và lăn xả trong suốt thời gian dịch diễn biến phức tạp. Công chúng đã cổ vũ họ bằng lời ca tiếng hát và những tràng vỗ tay. Giờ đây, khi công chúng đã mệt mỏi và sự cổ vũ cũng không còn rầm rộ như lúc ban đầu, thì các nhân viên y tế vẫn lặng lẽ, miệt mài làm công việc của mình.
Tờ Time nhận định, những câu chuyện của họ khác nhau, nhưng lòng dũng cảm của họ là một, và điều ấy cần được lan tỏa.
Những người hùng coi công việc của mình là lẽ đương nhiên
editKhi điện thoại đổ chuông vào tháng 3, cô Ornella Calderone, 33 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành y ở Turin, Italy, có cảm giác cuộc gọi này sẽ thay đổi cuộc đời mình. Thời điểm ấy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới tuyên bố COVID-19 là đại dịch, và Italy chính là tâm dịch toàn cầu. Cuộc gọi cho biết bệnh viện đang rất cần người. Kể từ khi ấy, toàn bộ thời gian của cô là ở trong bệnh viện với lịch làm việc dày đặc, chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.
“ | Chúng tôi buộc phải tiếp thu các khái niệm trong một thời gian rất ngắn, để học mọi thứ ngay lập tức | ” |
Cô Calderone trở lại Turin vào tháng 6, sau khi đợt dịch đầu tiên kết thúc. Hiện cô đang làm việc tại một cơ sở địa phương từng là viện dưỡng lão nhưng đã được chuyển đổi thành bệnh viện COVID-19 khi căn bệnh bùng phát trở lại vào mùa thu này. "Làn sóng thứ hai thậm chí còn khó khăn hơn làn sóng đầu tiên," cô nói. Tuy nhiên, cô không hề hối hận. "Khi mở mắt thức dậy, tôi biết mình có một vai trò phải thực hiện."
Chị Archana Ghugare, 41 tuổi, một nhân viên y tế cộng đồng đến từ Pavnar, Maharashtra, Ấn Độ, làm công việc xác định các trường hợp mắc COVID-19 ở vùng nông thôn và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Khoản tiền hỗ trợ mà chị nhận được chẳng thấm vào đâu so với 12 giờ làm việc mỗi ngày, chỉ 1.000 ruppee/tháng, tương đương 300.000 VND, thấp hơn cả số tiền chị kiếm được từ những công việc bán thời gian khác. Tuy nhiên, chị vẫn không nề hà. "Chúng tôi biết công việc mình đang làm xứng đáng để hy sinh và nhận được sự tôn trọng," chị nói.
Những người hùng đôi khi không thể bảo vệ chính mình…
editLàn sóng dịch COVID-19 đầu tiên là một cơn ác mộng với người cao tuổi. Điều đó cũng đẩy các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở các viện dưỡng lão vào tình huống khẩn cấp. Bà Tanya Lynne Robinson, 56 tuổi, là một phụ tá chăm sóc sức khỏe gia đình ở Cleveland, Mỹ, chuyên chăm sóc những người quá già hoặc ốm yếu không thể ra ngoài.
“ | Chúng tôi làm công việc của mình ngày ngày mà không cần mọi người nói lời cảm ơn | ” |
Thời kỳ đầu của đại dịch, họ cũng là những hùng không được bảo vệ. Đồ bảo hộ có hạn, họ bắt buộc phải tái sử dụng hoặc chấp nhận trang bị thiếu thốn. Trong trường hợp của bà Robinson, điều này đặc biệt nguy hiểm. Bị mắc bệnh hen suyễn và đa xơ cứng, bà có nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Tuy nhiên, bà vẫn ở lại với các bệnh nhân nội trú của mình, ngay cả trong thời điểm không có đủ trang thiết bị bảo hộ cần thiết.
Các nhân viên ở viện dưỡng lão như bà Robinson phải tắm rửa theo ca, chỉ giặt quần áo vào những ngày được chỉ định và từ bỏ quyền đơn giản là ngủ trên giường của mình và gặp gỡ người thân, chỉ chuyên tâm phục vụ cộng đồng.
… nhưng vẫn thầm lặng cống hiến
editNhững nhân viên hậu cần y tế đôi khi nhận được quá ít sự công nhận. Bà Sabrina Hopps, 47 tuổi, là một nhân viên vệ sinh làm việc 10 tiếng rưỡi mỗi ngày tại đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Washington, D.C., chuyên vệ sinh phòng bệnh cho bệnh nhân. Chính bà Hopps đã khử trùng công tắc đèn, thanh vịn giường, nút gọi, và máy thở.
Do các yêu cầu về quyền riêng tư của bảo hiểm y tế Mỹ, bà không thể biết liệu một bệnh nhân mà bà đang dọn phòng có mắc COVID-19 hay không. Tuy nhiên, bà lại tìm thấy động lực trong công việc mình làm, đặc biệt qua việc tiếp xúc với bệnh nhân.
“ | Chỉ cần trò chuyện với bệnh nhân là sẽ an ủi được họ ít nhiều. Còn nếu bệnh nhân đang thở máy không nói chuyện được ư, tôi đã học cách đọc môi rồi. | ” |
Lo ngại dịch COVID-19 lan rộng, nhiều học khu của Mỹ đã phải chuyển sang học trực tuyến. Điều đó đã đặt ra những thách thức đặc biệt cho các y tá trường học như bà Shelah McMillan, 46 tuổi, làm việc tại Trường Rudolph Blankenburg ở Philadelphia, và phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Einstein của thành phố. Với việc học khu của bà đã chuyển sang hình thức học tập hoàn toàn từ xa, bà McMillan lo lắng rằng học sinh sẽ không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
Bà nói: "Việc không thể gặp mặt tại trường khiến chúng tôi khó theo dõi sức khỏe của học sinh hơn. Chúng tôi phải tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa cộng đồng y tế và các gia đình". Một đường dây nóng đã được tạo ra để nhận các cuộc gọi và tin nhắn từ phụ huynh cũng như trả lời các câu hỏi về đại dịch và sức khỏe của từng học sinh.
Kể từ mùa xuân, bà McMillan cũng đã làm việc với Tổ chức Black Doctors COVID-19, chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí tại các cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Philadelphia, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus tại Mỹ.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ từ ngày 30/11, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn 1,4 lần so với người da trắng. Chênh lệch thu nhập và thiếu khả năng tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bà McMillan và những người khác đã và đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sức khỏe cho các cộng đồng này.
Những người hùng vĩnh viễn nằm lại
editĐại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người, trong số đó có các nhân viên y tế, những người đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình ứng phó và tiếp tục phục vụ ở tuyến đầu. Trong những ngày đầu đại dịch xuất hiện, các bác sĩ đã cảnh báo về những tác động tiềm tàng của virus.
Khi virus lây lan, nhiều bác sĩ đã cung cấp phương pháp điều trị cho một căn bệnh mà họ chưa hiểu biết hết, trong khi những người khác nghiên cứu vaccine tiềm năng. Và khi đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ trên toàn thế giới, các chuyên gia y tế đã làm việc không mệt mỏi để chăm sóc cho bệnh nhân, có những người đã về hưu vẫn quay lại hỗ trợ.
Không thể vinh danh tất cả các nhân viên y tế đã tử vong vì COVID-19. Sự hy sinh ấy cũng là lời nhắc nhở về sự cống hiến và phục vụ không ngừng của những người tiếp tục chăm sóc bệnh nhân tại thời điểm mà các ca bệnh và tử vong do COVID-19 đang gia tăng ở nhiều quốc gia.
Tư duy mới cho đồ dùng cũ
editĐại dịch COVID-19 làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu nhưng lại khiến thị trường đồ cũ bùng nổ. Cái nhìn của người tiêu dùng về đồ cũ đã thay đổi như thế nào?
Một trong những thay đổi lớn nhất trên thị trường đồ cũ hay còn gọi là "hàng secondhand" phải kể đến bước chân gia nhập chính thức của hãng thời trang danh tiếng Gucci. Ngày 5 tháng 10, Gucci công bố hợp tác với The RealReal, trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng cao cấp đã qua sử dụng có hơn 17 triệu người dùng. Theo đó, The RealReal sẽ mở một cổng kinh doanh riêng cho các sản phẩm secondhand của Gucci, còn Gucci cũng sẽ cung cấp thêm nhiều sản phẩm đồ cũ khác, chủ yếu là từ những bộ sưu tập mới chỉ dùng trong các buổi chụp hình quảng cáo của hãng.
Vài năm trước, hầu hết các thương hiệu cao cấp đều "đứng ngoài cuộc" việc ký gửi và bán lại đồ cũ. Thậm chí một số hãng còn lên tiếng chống lại việc tiêu thụ đồ cũ, cảnh giác với hàng giả hoặc đưa ra dự báo về viễn cảnh mất thị phần nếu người dùng chấp nhận hàng secondhand. Tuy nhiên, tư duy này đang dần thay đổi và sự bùng nổ của thị trường đồ secondhand trong mùa dịch COVID-19 như chất xúc tác khiến các hãng thời trang không thể nằm ngoài cuộc chơi mới.
Các web trao đổi, mua bán hàng hiệu secondhand như The RealReal (Mỹ), Vestiaire Collective (Pháp) đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng chất ngất thời dịch bệnh.Theo New York Times, cách đây vài tháng, trước khi các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đóng cửa, Karen Oberman -một tín đồ thời trang sống ở phía Bắc thành phố New York (Mỹ) - đã kịp mua chiếc đồng hồ Chanel J12 Phantom mà cô yêu thích với giá 3.146 USD (khoảng 73 triệu), trong khi giá gốc gần gấp đôi (khoảng 140 triệu đồng).
Karen cho biết cô đã nhiều lần mua thành công loạt phụ kiện đã qua sử dụng với giá chưa đến một phần năm so với giá gốc. Không chỉ Karen, rất nhiều tín đồ hàng hiệu cũng "săn lùng" những item cao cấp đã qua sử dụng như đồng hồ Patek Philippe và Rolex. Họ thuộc tuýp người thường xuyên thay đổi phong cách thời trang và ít khi cố định với một chiếc túi hay phụ kiện nào. Việc chú trọng thể hiện phong cách bản thân trở nên hấp dẫn hơn là chi bộn tiền cho một món đồ chỉ để cất vào tủ. Do đó, hàng hiệu sang tay là giải pháp hợp lý giúp họ sở hữu món đồ yêu thích với giá "mềm" hơn.
Khi túi tiền của nhiều người trở nên eo hẹp hơn vì dịch COVID-19, họ bắt đầu nhìn nhận khác về giá trị thực của các món đồ hiệu đã qua sử dụng. Chúng vẫn là những mẫu thiết kế chính hãng của những tên tuổi hàng đầu trong làng thời trang thế giới như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Gucci, Burberry hay Hermes, vẫn là những sản phẩm với chất liệu cao cấp và đường may tỉ mỉ thế nhưng giá chỉ còn một nửa, một phần ba hoặc thậm chí là một phần năm giá gốc. Cùng một số tiền cho một chiếc túi mới nhưng có thể sở hữu tới 4-5 chiếc túi hiệu secondhand trông vẫn còn mới khác. Tại sao không?
Những "cỗ máy thời gian" hái ra tỷ USD
editHọ gọi những trang web bán đồ cũ là những "cỗ máy thời gian" mang lại cuộc đời thứ hai cho những món đồ cũ. Theo nghiên cứu mới nhất của BCG (Boston Consulting Group), mức độ tăng trưởng trung bình qua từng năm của thị trường resale thời trang cao cấp là 12%, tăng nhanh hơn hẳn so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường thời trang cao cấp là 3%. Còn theo ThredUp, doanh nghiệp hàng thời trang second-hand trực tuyến lớn nhất thế giới thì mô hình kinh doanh resale đang phát triển rất tốt trong đợt dịch COVID-19 hoành hành. Theo đó, trong giai đoạn từ tháng Ba đến cuối tháng Năm, doanh nghiệp này vẫn duy trì được mức tăng trưởng 20% kể từ khi lệnh cách ly toàn xã hội được ban hành, trong khi những mô hình thương mại thời trang khác giảm đến 24%.
Bên cạnh đó, thị trường resale được nhận định sẽ tăng trưởng từ 28 tỷ USD vào năm 2019 lên 64 tỷ USD vào năm 2024, chiếm giữ 7% thị trường thời trang cao cấp. Trong đó, thế hệ Millennials và Gen Z (những người sinh ra trong khoảng năm 1996-2005) là những người tiếp nhận xu thế thời trang second-hand nhanh gấp 2,5 lần so với những nhóm tuổi khác, dựa theo thống kê của ThredUP. Nhận định về Gen Z và late-Millennial là thế hệ người trẻ rất thích trưng diện và khẳng định bản thân thông qua các nền tảng mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ như Facebook, Instagram, Tiktok, Snapchat… Song hành với nhu cầu thể hiện bản thân thông qua thời trang, thế hệ này cũng được định hướng và truyền thụ tư tưởng thời trang bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt dịch COVID-19 khiến nhiều người quan tâm đến vấn đề sức khoẻ và nhận thức sâu sắc hơn về môi trường sống. Bởi vậy, quyết định tiêu dùng cũng đi theo xu hướng bền vững hơn. Với diễn tiến của COVID-19, sẽ càng nhiều người mua sản phẩm second-hand để tiết kiệm chi phí, nhưng cũng đồng thời giải tỏa tâm lý vì phải cách ly hay những vấn đề về kinh tế, lẫn phát sinh khác trong thời kỳ khó khăn. COVID-19 chính là bệ phóng thúc đẩy cho thị trường resale tăng trưởng tốt hơn.
Theo sự đánh giá khách quan từ các chuyên gia, sự tăng trưởng về thị trường thời trang second-hand (resale) sẽ tăng lên 52%, dịch vụ rental (thuê quần áo) sẽ tăng đến 28% và thời trang bền vững là 43%, trong khi đó thời trang nhanh sẽ bị giảm tới 24% và các trung tâm mua sắm sẽ giảm ở mức 44%, trong vòng 5 năm tiếp theo.
Cách ly thời COVID-19 định hình lối sống mới
editTrong thời kỳ cách ly COVID-19, số lượng người tiến hành dọn dẹp và phân loại đồ cũ là rất lớn. Phần đông họ sẽ lựa chọn bán đi các sản phẩm quần áo thời trang đã cũ với các lý do hợp lý là để kiếm tiền, tái chế vì môi trường, dọn dẹp tủ đồ hay là kiếm tiền để mua quần áo second-hand khác.
Tại Nhật Bản, Thống đốc Tokyo thậm chí còn kết hợp với chuyên gia dọn đồ Mari Kondo - người từng gây sốt toàn thế giới với "phương pháp sắp xếp KonMari" - để quảng bá chiến dịch này. Nhiều người dân Nhật Bản đã ghi nhớ và áp dụng hiệu quả thông điệp đó. Kết quả là thị trường đồ cũ, đã qua sử dụng đang bùng nổ tại xứ sở mặt trời mọc.
"Trong tiếng Nhật có cụm từ Danshari, có nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Mọi người đang dần thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng đó. Mọi người tìm đến chúng tôi bởi vì dịch vụ của chúng tôi hữu ích, giúp dọn dẹp ngôi nhà của bạn gọn gàng hơn", chia sẻ của ông Kyohei Iwata, CEO của nền tảng Buysell Technologies - trang web chuyên buôn bán đồ cũ.
Công ty sẽ cử đại diện đến tận nhà của khách hàng để thu gom đồ và sau đó bán lại chúng trên mạng hoặc mang đi đấu giá. Sau chuyến ghé thăm của nhân viên công ty Buysell, bà Mitsuko Iwama, năm nay 71 tuổi đã có thể nói lời chia tay với 22 bộ kimono gắn bó hơn chục năm qua, với mức giá 40 USD, tương đương hơn 800.000 đồng/ 1 bộ. Tuy nhiên bà chia sẻ, tiền bạc không phải là vấn đề ở đây.
“ | Thật là phí phạm khi cứ để những bộ kimono treo không trên mắc. Tôi sẽ thấy vui hơn nếu các bạn trẻ có thể mặc nó thay tôi | ” |
— bà Iwama chia sẻ. |
Quan điểm và hành động của những người như bà Mitsuko Iwama đang được giới trẻ và người dân Nhật Bản hết sức đón nhận.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020
editKết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay cho thấy, cử tri Mỹ chia rẽ sâu sắc về quan điểm chính trị bên cạnh sự khác biệt về hoàn cảnh kinh tế, lứa tuổi hay khu vực sinh sống.
Ngày 14/12, 538 đại cử tri đã chọn ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ là Tổng thống đắc cử của nước Mỹ. Người Mỹ đã đặt niềm tin vào vị Tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất trong lịch sử. Quyết định của đại cử tri đoàn cũng kết thúc nhiều tuần nền chính trị Mỹ rơi vào trạng thái vô định khi Tổng thống Donald Trump từ chối nhận thất bại.
Cuộc bầu cử kết thúc và công việc của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ bắt đầu. Vị chính trị gia kỳ cựu đang đứng trước những thách thức khó khăn xuất phát từ chính nội tại xã hội Mỹ, một xã hội bị chia rẽ thể hiện rõ nét qua chính cuộc bầu cử vừa qua.
Cuộc bầu cử chia rẽ nhất lịch sử
editKỳ bầu cử 2020 là một kỳ bầu cử kỳ lạ với những con số chưa từng có tiền lệ. Tổng thống đắc cử Joe Biden lập kỷ lục khi nhận được hơn 81 triệu phiếu bầu phổ thông, trong khi ông Donald Trump cũng có hơn 74 triệu phiếu bầu – vượt xa kỷ lục cũ 64,4 triệu phiếu của cựu Tổng thống Barack Obama. Hơn 101 triệu cử tri đã bầu qua thư hoặc đi bầu cử sớm, tăng 102% so với bốn năm trước đó.
Rõ ràng, người dân Mỹ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe, họ cùng nhau đi bầu cử và tạo nên những con số kỷ lục. Tuy nhiên, lượng người đi bầu cử tích cực lại bị phủ bóng bởi mối chia rẽ sâu sắc giữa các cử tri trên nhiều phương diện. Nhà sử học Barbara Perry thuộc Viện nghiên cứu Tổng thống, Đại học Virginia nhận định: "Ngoại trừ thời kỳ Nội chiến, nước Mỹ chưa bao giờ chứng kiến sự chia rẽ rõ rệt như hiện tại".
Đai dịch COVID-19 là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Hình thức bỏ phiếu qua thư trở nên phổ biến, và những lá phiếu này đã góp phần giúp ông Biden lật ngược thế cờ tại hàng loạt bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania, Wisconsin hay Michigan.
Ảnh hưởng của đại dịch không chỉ được thể hiện thông qua hình thức bỏ phiếu mà còn phân hóa cả tâm lý của cử tri. Khủng hoảng mang tên COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất đối với vị Tổng thống sẽ chèo lái nước Mỹ trong những năm tới do những tác động sâu rộng đối với kinh tế và xã hội, không chỉ cho riêng nước Mỹ mà cả trên phương diện toàn cầu. Thế nhưng quan điểm đối phó với dịch bệnh của ông Biden và ông Trump lại hoàn toàn trái ngược.
Trong khi ông Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế sự lây lan của đại dịch và sẵn sàng áp dụng những biện pháp giãn cách để giảm tải áp lực lên nền y tế, chính sách của Tổng thống Donald Trump lại chú trọng vào việc mở cửa nền kinh tế để tránh suy thoái. Hai góc nhìn khác nhau đã thu hút tâm lý ủng hộ khác nhau của người dân Mỹ.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, có đến 76% người ủng hộ hoặc có xu hướng thiên về đảng Cộng hòa hài lòng với cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump khi đại dịch hoành hành. Với những người không ủng hộ hoặc không nghiêng về đảng Cộng hòa, con số này chỉ là 29%. Khoảng cách 47% giữa người ủng hộ và không ủng hộ chính phủ cầm quyền trong vấn đề xử lý dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ là lớn nhất khi so với những vùng dịch khác tại châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha hay Anh.
Còn giữa những cử tri của hai đảng, trong những cuộc thăm dò tiền bầu cử, Trung tâm nghiên cứu này cũng đã ghi nhận sự phân hóa rõ rệt trong vấn đề COVID-19. Các cử tri đa phần không có chung quan điểm về việc đeo khẩu trang nơi công cộng; truy vết ca mắc; sự hiệu quả của các nhân viên y tế trước khủng hoảng hay sự tin tưởng vào vaccine.
Khoảng một tháng trước ngày bầu cử 3 tháng 11, 82% người ủng hộ ông Biden cho rằng vấn đề COVID-19 có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định bỏ phiếu của họ. Những người ủng hộ Tổng thống Trump thì dường như xem nhẹ dịch bệnh đang cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người Mỹ mỗi ngày. Chỉ 24% người dự định bỏ phiếu cho ông Trump cân nhắc đến tầm ảnh hưởng của đại dịch.
Sự phân hóa của xã hội Mỹ trong việc bỏ phiếu còn được thể hiện thông qua trình độ học vấn và môi trường sống. Tờ Guardian nhận định, khu vực thành thị tập trung nhiều cử tri trẻ tuổi có học thức cao có xu hướng thiên về chủ nghĩa tự do, họ có thiên hướng bầu cho đảng Dân chủ với đại diện là ông Biden. Trong khi đó ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều cử tri trung niên và cao tuổi, có bằng cấp thấp hơn nhóm cử tri trẻ ở thành phố, có thiên hướng bảo thủ hơn và bầu cho ông Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Hy vọng hàn gắn nước Mỹ của Tổng thống đắc cử Joe Biden
editTrong sự nghiệp chính trị kéo dài nhiều thập kỷ của mình, ông Joe Biden đã thể hiện phẩm chất bền bỉ, không bỏ cuộc, kể cả khi trải qua nhiều biến cố và thất bại. Trong bài phát biểu ngay sau khi đại cử tri đoàn gọi tên ông là Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Joe Biden đã tuyên bố: "Giờ là lúc để lật sang một trang sử mới. Để đoàn kết. Để hàn gắn". Với sự phân hóa rõ rệt về quan điểm của xã hội Mỹ, "hàn gắn" là cụm từ đã được ông Biden nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một sứ mệnh mà ông sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
Sau khi đắc cử chức thượng nghị sĩ bang Delaware vào năm 1972, ông Biden tranh cử Tổng thống lần đầu tiên vào năm 1988 khi được đánh giá là một gương mặt đang lên của đảng Dân chủ, có sức hấp dẫn với những người theo trường phái ôn hòa trong nền chính trị Mỹ đương thời. Chiến dịch này kết thúc trong ê chề khi vị thượng nghị sĩ dính vào bê bối đạo văn từ một bài phát biểu của nhà lãnh đạo Công Đảng Anh, Neil Kinnock.
Hai mươi năm sau, Joe Biden tuyên bố tranh cử lần thứ hai nhưng thiếu đi sức hút so với một số ứng cử viên khác của đảng Dân chủ. Ông chỉ xếp thứ năm trong cuộc bầu chọn ứng cử viên tranh cử Tổng thống của đảng, nhưng được Barack Obama chọn làm phó Tổng thống. Bộ đôi Obama – Biden đã chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, và cựu thượng nghị sĩ đã làm phó Tổng thống Mỹ suốt hai nhiệm kỳ của Obama.
Đến lần thứ ba tranh cử Tổng thống, ông đã thành công, vươn lên đỉnh cao của sự nghiệp chính trị mà ông đã theo đuổi hơn 30 năm qua.
Tuy nhiên, những thách thức mà ông Biden phải đối mặt rất khác biệt so với nhiều đời Tổng thống khác. Tờ Guardian nhận định, là một nhà lãnh đạo ôn hòa, để đoàn kết nước Mỹ là thách thức đối nội khó khăn nhất của Biden khi những chia rẽ sâu sắc trong xã hội sẽ còn tiếp diễn.
Dù vậy, người Mỹ đã bầu ra một nhà lãnh đạo đầy thiện chí – một yếu tố quan trọng có thể giúp Biden trong mục tiêu hàn gắn nước Mỹ. Xã hội Mỹ là một xã hội đa dạng với nhiều sắc tộc và cộng đồng khác nhau cùng tồn tại. Quyết tâm đoàn kết xã hội của ông Biden được thể hiện ngay từ cách lựa chọn đội ngũ đa dạng sẽ đi cùng ông trong bốn năm tới.
Chính quyền mới của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden sẽ chứng kiến nhiều "lần đầu tiên" ở các vị trí nhân sự chủ chốt. Trong khi ông Biden sẽ trở thành Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất trong lịch sử, bà Kamala Harris sẽ là nữ phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ thuộc về bà Avril Haines, cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Còn ông Alejandro Mayorkas sẽ nắm chức Bộ trưởng An ninh Nội địa, trở thành Bộ trưởng gốc Latin đầu tiên. Cựu Ngoại trưởng John Kerry sẽ là đặc phái viên của Tổng thống về biến đổi khí hậu. Chức vụ chưa từng có này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của vị Tổng thống đắc cử với vấn đề biến đổi khí hậu, điều đã được phản ánh thông qua những chính sách đã được ông đề ra trong quá trình chạy đua.
Nhìn chung, để hàn gắn đất nước là một nhiệm vụ không đơn giản trước một xã hội có những sự chia rẽ sâu sắc. Tuy nhiên, những hành động đầu tiên trong quá trình chuyển giao cho thấy quyết tâm của cựu phó Tổng thống Mỹ, giống như những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong nhiều thập kỷ để trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Du lịch toàn cầu
editDịch COVID-19 dường như không đặt dấu chấm hết cho ngành du lịch, mà mở ra làn sóng chuyển đổi không ngừng của tất cả các quốc gia.
Một năm ảm đạm với ngành du lịch toàn cầu
editĐại dịch COVID-19 biến 2020 trở thành một năm ảm đạm đối với nền công nghiệp không khói trị giá hàng tỷ USD. Nhu cầu đi lại đóng băng khiến du lịch thế giới thiệt hại gần 500 tỷ USD.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế tính đến hết quý II/2020 năm đã giảm 65%, tương đương khoảng 440 triệu lượt.
Nếu chỉ tính riêng tháng 6, con số thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều: giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng báo động hơn khi sự giảm sút nghiêm trọng này cao gấp 5 lần những thiệt hại về du lịch mà cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2009 gây ra.
Mặc dù cho đến nay, một số quốc gia đang dần bước qua thời kỳ đỉnh dịch và nới lỏng các lệnh phong toả, song vẫn khó có thể bù đắp phần nào mức thâm hụt nặng nề. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất khi bốc hơi khoảng 72% lượng khách quốc tế.
Lệnh phong toả giữa các quốc gia khiến du lịch nội địa trở thành mục tiêu phục hồi hàng đầu của ngành du lịch. UNWTO kỳ vọng du lịch nội địa sẽ sớm giúp phục hồi nền kinh tế và tạo thêm cơ hội cho những lao động bị mất việc làm.
Cũng theo số liệu của UNWTO, du lịch nội địa đem lại mức doanh thu cao hơn du lịch quốc tế tại hầu hết các quốc gia. Trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu cho du lịch nội địa chiếm tới 75%.
Ổ dịch tại Vũ Hán khiến nhu cầu đi lại trong nước cũng như xuất ngoại của khách Trung Quốc – vốn được coi là nguồn đóng góp chính cho du lịch toàn cầu – đóng băng. Theo đó, những điểm du lịch tại châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản - nơi du khách Trung Quốc chiếm phần lớn lượng du khách nước ngoài, thiệt hại nhiều hơn cả.
Theo chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan, có khoảng 1,3 triệu du khách Trung Quốc đã hủy các chuyến bay tới quốc gia này trong tháng 2 và tháng 3 do các lệnh phong toả.
“ | Trong năm 2018, chỉ riêng Trung Quốc đóng góp tới 51% doanh thu du lịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. | ” |
— Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) |
Châu Âu, châu Mỹ - những quốc gia dù ít phụ thuộc vào du khách Trung Quốc nhưng mức độ thiệt hại cũng không hề nhỏ. Thay vì đón 2 triệu du khách Trung Quốc trong năm nay, Hiệp hội Lữ hành Trung Quốc tại Pháp (ACAV) đã phải dừng mọi hoạt động thương mại. Doanh thu của các doanh nghiệp thành viên đã giảm ít nhất 33%.
Trong "nguy" có "cơ"
editThế nhưng, trong cái "nguy", vẫn có "cơ". Dịch COVID-19 chính là "cái nôi" của một loạt các chương trình du lịch ảo, bong bóng du lịch và hành lang du lịch an toàn. Công ty Walk in Hong Kong (Trung Quốc) – vốn được biết đến với các tour du lịch giới thiệu về lịch sử và văn hóa địa phương là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.
Walk in Hong Kong đã đưa ra sáng kiến cung cấp các tour du lịch trực tuyến để duy trì hoạt động vốn bị giãn đoạn vì COVID-19 như một phần của chiến lược kinh doanh dài hạn nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, chứ không đơn thuần chỉ là nhóm du khách nội địa.
Các tour tham quan bằng tiếng Quảng Đông thậm chí còn được tổ chức miễn phí một tuần một lần nhờ sự hỗ trợ của giới chức Trung Quốc và các tổ chức tư nhân.
Ý tưởng này nhanh chóng được du khách đón nhận. Chỉ trong một đêm, có tới 70 điểm đến được đăng ký, trong khi thông thường phải mất đến cả tuần để kín chỗ.
Walk in Hong Kong cũng đang có kế hoạch phục vụ các du khách nước ngoài thông qua những chuyến tham quan bằng tiếng Anh được tính phí, với mức giá có thể giao động quanh ngưỡng 13 USD. Du khách sẽ chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể trải nghiệm một chuyến du lịch y như thật.
Khái niệm "Bong bóng du lịch" cũng ra đời trong đại dịch.
"Bong bóng du lịch" giữa Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore được coi là "bong bóng" đầu tiên trên thế giới, được thiết lập trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp
edit"Bong bóng du lịch hàng không" này cho phép du khách di chuyển giữa hai nơi mà không phải cách ly hay thực hiện các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Tuy nhiên, cho đến nay, do Hong Kong (Trung Quốc) vẫn đang nỗ lực khống chế dịch bệnh, thời điểm triển khai "bong bóng du lịch" giữa hai bên đã bị bỏ ngỏ đến năm 2021. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi ngành du lịch vốn đang chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch.
Ngành du lịch toàn cầu vẫn đang dần thích nghi với đại dịch. Dịch COVID-19 dường như không đặt dấu chấm hết cho ngành du lịch, mà đang mở ra làn sóng chuyển đổi không ngừng của tất cả các quốc gia trong cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ này.
Giải trí toàn cầu
editKể từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng không nhỏ. Không chỉ tổn thất về con người, đại dịch cũng khiến nền kinh tế tổn hại vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, ngành công nghiệp giải trí thế giới cũng không ngoại lệ khi phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất từ trước tới nay.
Ngay sau khi đại dịch bùng phát tại nhiều nơi trên toàn thế giới, hàng loạt phim điện ảnh đã công bố rời lịch chiếu liên tục từ tháng này qua tháng khác. Bắt đầu với một trong những bom tấn được mong chờ nhất năm nay Fast & Furious 9. Theo như kế hoạch ban đầu, bộ phim sẽ bắt đầu khởi chiếu từ ngày 22/5. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, bộ phim dự kiến sẽ đợi thêm 1 năm nữa, tức ngày 2/4/2021 để chính thức ra mắt.
Sau Fast & Furious 9 là hàng loạt phim điện ảnh cũng hoãn lịch chiếu. Nhiều phim thậm chí đã tung trailer đầy hứa hẹn trước đó nhưng cũng phải hủy sau khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong đó có A Quiet Place 2 và The Lovebirds.
Siêu phẩm James Bond mới nhất - No Time to Die - cũng được Universal năm lần bảy lượt thông báo hoãn ngày ra mắt. Mặc dù đây là lí do bất khả kháng nhưng những người hâm mộ vẫn vô cùng thất vọng, đặc biệt là khi thị trường điện ảnh vô cùng ảm đạm trong năm vừa qua. Họ mong chờ một cực phẩm quay trở lại rạp chiếu để cứu vớt lấy nền điện ảnh này.
Tuy nhiên, dường như cùng với việc dịch COVID-19 vẫn chưa hết, các nhà làm phim đều lo lắng tới doanh thu phòng vé nếu phim ra rạp vào năm nay, đó là lí do No Time To Die cũng hoãn lại đến tháng 4/2021.
Trong khi đó, hãng phim Marvel cũng khẳng định sẽ không có bộ phim siêu anh hùng nào được ra mắt trong năm nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 2020 trở thành năm thứ hai Marvel không công chiếu bất kì bộ phim nào kể từ khi MCU ra mắt. Lần đầu tiên Marvel không cho ra mắt bộ phim nào chính là vào năm 2009, 1 năm sau khi MCU vô cùng thành công với Iron Man và The Incredible Hulk. Thế nhưng, ở thời điểm đó, khán giả không cảm thấy lạ lẫm với điều này do vẫn chưa quá quen thuộc với Vũ trụ Marvel.
Trước đó, Marvel đã có một năm 2019 đại thành công về mặt doanh thu khi các bom tấn liên tục thu về hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, siêu phẩm phòng vé Avengers: Endgame cũng phá kỉ lục, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại với gần 2,8 tỷ USD doanh thu.
Chính vì vậy, nếu theo đúng kế hoạch, hãng phim sẽ tiếp tục theo đà chiến thắng và có thêm một năm 2020 vinh quang nữa với nhiều siêu phẩm. Đáng chú ý, những bộ phim Marvel trong năm nay được dự kiến sẽ bùng nổ khi mở ra Giai đoạn 4 của MCU.
Chính bởi có quá ít phim dám liều mình ra mắt trong thời gian này nên các rạp phim toàn cầu cũng đứng trước sự suy thoái nặng nề.
Theo ước tính từ Variety, các rạp chiếu phim trên toàn cầu có thể sẽ phải chịu lỗ từ 20 - 31 tỷ USD chỉ trong năm 2020. Hàng loạt các rạp chiếu phim tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bộ phim không thể ra mắt, tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp điện ảnh. Mặc dù một số rạp ở nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa trở lại nhưng cũng không thể bù đắp những tổn thất nặng nề do COVID-19 mang đến.
Tuy nhiên, giữa tình hình đại dịch, nhiều hãng phim đã nghĩ tới một giải pháp khác để có thể vẫn tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm điện ảnh trong năm 2020, đó chính là dịch vụ phát sóng trực tuyến. Hàng loạt ứng dụng xem phim như Netflix, Disney+... "ăn nên làm ra" hơn hẳn so với các năm trước sau khi dịch bệnh bùng phát khiến mọi người đều phải cách ly tại nhà. Khi không còn thói quen tới rạp thưởng thức phim màn ảnh rộng, khán giả đã tạo một thói quen mới, đó chính là "rạp chiếu phim" tại nhà.
Điển hình nhất phải kể đến Hoa Mộc Lan (Mulan) phiên bản điện ảnh. Từ trước khi ra mắt, bộ phim đã được kì vọng sẽ trở thành bom tấn phòng vé trong năm 2020 khi được Disney đầu tư vô cùng kĩ lưỡng, đặc biệt tập trung vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Disney đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đó chính là trình chiếu trực tuyến trên kênh Disney+ với giá 29,99 USD. Đây có thể coi là giải pháp khá thông minh giữa thời đại dịch bệnh như hiện nay.
Hàng loạt sự kiện âm nhạc bị hủy bỏ
editCũng giống như thị trường điện ảnh, ngành công nghiệp âm nhạc thế giới cũng lao đao bởi đại dịch COVID-19. Tất nhiên, các nghệ sĩ vẫn cho ra mắt album và bài hát của mình nhưng những tour diễn lại đều bị hủy bỏ. Từ Madonna, Mariah Carey, Taylor Swift cho đến nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc BTS..., tất cả đều buộc phải thông báo sẽ tạm thời hủy bỏ các biểu biểu diễn trực tiếp nhằm đảm bảo an toàn trước tình hình đại dịch.
Thông thường, nghệ sĩ và ê-kíp của mình sẽ bận rộn chuẩn bị cho những tour diễn này trong vòng vài tháng. Chính vì vậy, việc buộc phải hủy đột ngột sẽ ảnh hưởng tới không chỉ riêng nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ nhân viên làm việc cho tour diễn. Ngoài ra, việc không thể gặp mặt người hâm mộ trực tiếp trong các show diễn cùng là điều khá lạ lẫm với các nghệ sĩ.
Còn nhớ khi tour diễn Map of the Soul tại Hàn Quốc bị hủy bỏ, trưởng nhóm nhạc BTS - RM - đã bật khóc. Anh bày tỏ sự thất vọng của mình khi mọi công sức của ê-kíp trong thời gian dài vừa qua lại phải gác lại và không thể diễn ra theo đúng kế hoạch. Những sự chuẩn bị này dường như đều trở nên vô nghĩa khi dịch bệnh bùng phát. Những người hâm mộ cũng cảm thấy rất tiếc nuối khi không có cơ hội gặp gỡ các thần tượng của mình.
Tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu của khán giả, một hình thức concert khác lại được ra đời, đó chính là các buổi biểu diễn trực tuyến. Và có thể nói, các công ty giải trí Hàn Quốc đã dẫn đầu xu thế khi hàng loạt nhóm nhạc K-Pop tổ chức các buổi concert trực tuyến có thu phí nhằm thay thế concert trực tiếp giữa thời đại dịch bệnh.
Bắt đầu với SuperM và concert mang tên Beyond the Future vào tháng 4/2020. Ý tưởng độc đáo này đã nhanh chóng thu hút đông đảo sự chú ý của người hâm mộ với hơn 75.000 người từ 109 quốc gia trên thế giới đăng ký theo dõi. Với mức giá 26 USD, tổng số tiền SuperM đat được nhờ conert này lên tới hơn 2,4 triệu USD. Đáng chú ý, đêm nhạc trực tiếp vào tháng 2 của nhóm trước lại chỉ thu về hơn 1 triệu USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc show âm nhạc trực tuyến không những không phải một bất lợi mà còn mang về doanh thu cao hơn hẳn so với loại hình biểu diễn thông thường.
Ngay sau khi nhận thấy tiềm năng phát triển của các sự kiện trực tuyến, SM Entertainment tiếp tục đi đầu trong việc tổ chức hàng loạt concert trực tuyến cho các nghệ sĩ trực thuộc công ty của mình, bao gồm Super Junior, TVXQ, NCT...`
BTS cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế khi tổ chức biểu diễn Bang Bang Con: The Live trực tuyến, thu hút 756.600 khán giả từ 107 quốc gia trên toàn thế giới.
Đây có thể nói là một lượng khán giả khổng lồ, gấp tới 15 lần những đêm nhạc trực tiếp ở các sân vận động thông thường (50.000 khán giả). Điều này cũng mang về doanh thu khủng cho các ông lớn ngành giải trí Hàn Quốc.
Lý giải cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng đây là nhờ sự kết nối toàn cầu thông qua internet. Khi tổ chức tại một địa điểm nhất định, thông thường sẽ chỉ có những khán giả thuộc khu vực này có thể tới xem, dẫn đến sự giới hạn phạm vi doanh thu.
Tuy nhiên, với concert trực tuyến, tất cả người hâm mộ trên toàn thế giới đều có thể tham gia. Đây chính là lợi ích mà các concert này có thể mang lại trong thời kì dịch bệnh như hiện nay.
Ngoài ra, sự chênh lệch rõ rệt giữa giá vé trực tuyến và trực tiếp cũng tạo nên thành công của loại hình concert vô cùng mới mẻ này.
Thông thống kê từ SCPM, giá vé một buổi concert trực tuyến sẽ dao động trong khoảng 25-40 USD, trong khi đó, vé xem trực tiếp lại quá cao, dao động trong khoảng 70-360 USD. Rõ ràng không phải ai cũng có điều kiện để có thể tham gia các show âm nhạc với mức giá cao như vậy. Tuy nhiên, với concert trực tuyến, khán giả hoàn toàn có khả năng chi trả, thậm chí còn có thể xem lại màn trình diễn bất cứ khi nào mong muốn.
Khán giả đã dần quen thuộc với những "sự kiện online"
editSau sự thành công của hàng loạt concert trực tuyến, các sự kiện cũng dần bắt kịp xu thế, dẫn đến một chuỗi các "sự kiện online" được ra đời.
Nhiều nghệ sĩ trên toàn thế giới đã nắm bắt lấy cơ hội này để thử hình thức giao lưu trực tuyến với những người hâm mộ, điển hình như BTS với BTS Online Concert Weekend, hay các buổi gặp gỡ với fan của BLACKPINK, TWICE và nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc khác.
Trong khi đó, Miley Cyrus cũng tổ chức một chương trình trực tuyến mang tên Bright Minded với nhiều khách mời đình đám như Elton John, Selena Gomez, Demi Lovato... nhằm chia sẻ về trải nghiệm của các ngôi sao trong tình hình dịch bệnh. Chương trình cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khán giả khi mang đến những thông điệp tích cực nhằm giúp đỡ mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ được coi là các sự kiện quy mô nhỏ, hoạt động giữa nghệ sĩ và người hâm mộ. Trong khi đó, nhiều lễ trao giải và các sự kiện giải trí tầm cỡ buộc phải bị hủy bỏ hoặc hoãn lại vì COVID-19, bao gồm giải thưởng César, lễ trao giải Mâm xôi vàng, liên hoan phim Cannes... Đây là những sự kiện bị hoãn khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát khiến toàn thể thé giới vô cùng hoang mang. Lúc này, chưa ai có thể chuẩn bị kịp thời để ứng phó với đại dịch, đó là lí việc hủy bỏ hoặc hoãn các sự kiện là việc làm cần thiết.
Sau một thời gian làm quen với tình hình dịch bệnh hiện nay, những lễ trao giải và nhiều sự kiện khác dường như đã rút ra kinh nghiệm và bắt đầu khởi động với hình thức trực tuyến. Gần đây nhất có thể kể đến như lễ trao giải MAMA 2020 (Mnet Asian Music Awards) diễn ra tại Hàn Quốc. Thay vì tổ chức trực tiếp như mọi năm, MAMA lựa chọn phát sóng trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho cả nghệ sĩ lẫn khán giả trước thời đại COVID-19 bùng phát.
Tất nhiên, những sự kiện trực tuyến này sẽ không thể thay thế hoàn toàn các các hoạt động trực tiếp trong tương lai, đặc biệt là khi con người luôn có nhu cầu về mặt tiếp xúc lẫn nhau. Thế nhưng, có thể nói tiềm năng của những hoạt động online này là vô cùng lớn. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, các sự kiện trực tuyến vẫn có khả năng trở thành xu hướng mới trong thời gian sắp tới.
Nguồn dẫn
edit
- "Nhìn lại năm 2020" – VTV, tháng 12 năm 2020
- "10 sự kiện Kinh tế năm 2020 do VTV bình chọn: Kinh tế Việt Nam kiên cường vượt bão" – VTV, ngày 29 tháng 12 năm 2020
- "10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2020" – VTV, ngày 25 tháng 12 năm 2020
- "Toàn cảnh thế giới năm 2020 qua những bức ảnh" – VTV, ngày 18 tháng 12 năm 2020
- "Những hình ảnh chưa biết về chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước" – Bộ Y tế Việt Nam, ngày 11 tháng 2 năm 2020
- "10 sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2020" – Báo Tuổi trẻ, ngày 31 tháng 12 năm 2020
- "Những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020" – Vietnamnet, ngày 31 tháng 12 năm 2020