Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020
Khi Michael Rance chứng kiến khu phố anh từng sống tại Kirkland trở thành tâm điểm Covid-19 ở Mỹ, anh đã dự trữ thực phẩm cho 4 tuần.
"Thật đáng sợ. Đây là một thảm họa từ tự nhiên mà nhân loại không thực sự kiểm soát được", Rance, nhân viên một tổ chức phi lợi nhuận về tài chính, cho biết. Người đàn ông 26 tuổi này lớn lên tại thành phố Kirkland, bang Washington, Mỹ và chuyển đến New York tháng trước.
Nỗi lo lắng của Rance ngày càng tăng sau khi số ca tử vong vì Covid-19 tại bang Washington vượt 20 người, cùng khoảng 180 ca nhiễm. New York cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 140 ca. Ít nhất 36 bang của Mỹ xuất hiện dịch bệnh, trong đó 8 bang tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Toàn nước Mỹ hiện ghi nhận hơn 700 ca nhiễm nCoV và gần 30 trường hợp tử vong. Dù đã dự trữ nhiều thực phẩm, Rance vẫn muốn mua thêm đồ đủ cho một tháng, đề phòng trường hợp New York bị phong tỏa. Anh thậm chí mua hạt giống để trồng rau trên ban công.
Giống như nhiều quốc gia khác, người Mỹ đang "sống trong sợ hãi" và phải làm quen với cuộc sống mới do những hệ quả từ Covid-19. Các nhân viên thường được yêu cầu làm việc từ xa, trường học đóng cửa, những sự kiện thể thao hay tụ tập đông người đều bị hủy bỏ. Những mặt hàng thiết yếu trong siêu thị "bốc hơi".
Các chuyên gia y tế và tâm lý học cho biết mức độ sợ hãi Covid-19 đang gia tăng trên toàn cầu. Nhiều bệnh nhân tìm đến bác sĩ bởi lo rằng họ đã nhiễm nCoV, dù trên thực tế họ chỉ bị bệnh nhẹ như cảm lạnh.
Một tiếng ho nhẹ hoặc hắt hơi ở nơi công cộng giờ đây cũng khiến tất cả xung quanh phải ngoái lại. Chuyến bay chiều 8/3 của hãng United Airlines từ bang Colorado đến New Jersey thậm chí phải chuyển hướng sau khi vài hành khách gây náo loạn vì phát hiện một người ngồi gần họ bị ho, hắt hơi.
"Điều tồi tệ hơn cả virus chính là nỗi lo sợ", Thống đốc bang New York Andrew Cuomo phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7/3 khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại địa phương này. Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Mỹ đã lập một trang web để đưa ra lời khuyên và phương pháp đối phó với "cơn ác mộng" Covid-19.
Maggie Mulqueen, nhà tâm lý học tại bang Massachusetts, giải thích rằng Covid-19 khiến mọi người thấp thỏm bởi nhiều vấn đề về dịch bệnh chưa có câu trả lời, cũng như chưa có vaccine phòng bệnh và phương pháp điều trị thống nhất. Bên cạnh đó, hệ thống y tế nhiều lỗ hổng của Mỹ cũng có thể khiến nỗi lo lắng thêm nghiêm trọng.
Tâm trạng "ngồi trên đống lửa" thúc đẩy người dân khắp nước Mỹ tích trữ nước rửa tay sát khuẩn, khăn lau, giấy vệ sinh và nhiều mặt hàng khác để chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. Những hàng người dài hoảng loạn mua sắm khiến các nhà bán lẻ không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, trong khi cổ phiếu của các hãng bán lẻ tăng vọt, những lĩnh vực khác lại điêu đứng vì người dân "cố thủ" trong nhà và hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội, đe dọa nền kinh tế Mỹ. Hôm 9/3, các nhà đầu tư phố Wall chứng kiến phiên giao dịch giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Toàn bộ 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 chìm trong sắc đỏ, giảm mạnh nhất là nhóm năng lượng và tài chính. Nhà kinh tế học Diane Swonk, cố vấn tại tập đoàn tài chính Grant Thornton, dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm còn 0,5% trong nửa đầu năm, chậm lại rõ rệt so với mức 2,3% năm ngoái. Goldman Sachs cũng cảnh báo kinh tế Mỹ có nguy cơ không tăng trưởng trong quý hai.
Theo bình luận viên Austan Goolsbee của NY Times, tương tự việc chủ yếu đe dọa người cao tuổi, Covid-19 cũng đem lại mối nguy hiểm lớn hơn cho những nền kinh tế phát triển hơn. Goolsbee nhận định nếu Covid-19 lây lan nhanh chóng ở Mỹ, hậu quả kinh tế có thể tồi tệ hơn cả Trung Quốc, bởi các ngành dịch vụ đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp thịnh hành hơn.
Ngành giao thông vận tải là một ví dụ. Một người Mỹ trung bình bay ba chuyến mỗi năm, trong khi Trung Quốc chưa đến 0,5. Hãng hàng không Southwest Airlines, chủ yếu bay các chặng nội địa Mỹ, cho biết nhu cầu đi lại đang sụt giảm đáng kể và số lượt hủy chuyến tăng.
Thảm họa dịch tễ học trên du thuyền Diamond Princess, cùng việc 21 người nhiễm nCoV trên tàu Grand Princess tại cảng Oakland, vịnh San Francisco khiến nhiều người cũng ngừng sử dụng loại phương tiện này. Mỗi năm Mỹ có khoảng 11,5 triệu khách đi du thuyền, trong khi con số này ở Trung Quốc chỉ là 2,3 triệu.
Một trong những ngành kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận ở Mỹ là thể thao. So với Trung Quốc, người dân Mỹ chi nhiều tiền gấp 10 lần vào loại hình giải trí này. Tuy nhiên, Covid-19 khiến các trận đấu bị hủy bỏ, người dân cũng không còn thiết tha với chúng.
Các doanh nghiệp lớn dần chịu ảnh hưởng, như General Motors và Nestle SA hạn chế việc đi lại của nhân viên, Facebook và Amazon tuyên bố đóng cửa văn phòng tại Seattle. "Tuy nhiên, người lao động không thể làm mọi việc tại nhà. Bạn sẽ chứng kiến sự mất mát một sản lượng kinh tế mà có thể không bao giờ lấy lại được", chuyên gia Swonk cho biết.
Kinh tế sa sút khiến nhiều nhà hàng, khách sạn và hãng hàng không buộc phải sa thải nhân viên, nên tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ dự kiến leo thang. Trong khi đó, khoảng 78% người lao động Mỹ không có tiền dự trữ, dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn cho các khoản vay tiêu dùng tăng lên.
Khi được hỏi liệu Covid-19 có gây tổn hại nền kinh tế Mỹ hay không, Tổng thống Donald Trump thừa nhận nó "chắc chắn có thể để lại tác động". Hôm 6/3, ông thông qua dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD để chống lại Covid-19, bao gồm hỗ trợ phát triển vaccine và giúp các bang ứng phó dịch bệnh.
Covid-19 xuất hiện đúng năm bầu cử ở Mỹ, khi người dân đang cân nhắc dành lá phiếu cho ai vào tháng 11, nên nó cũng không nằm ngoài "cuộc chiến đảng phái". Phe Dân chủ chỉ trích Trump đối phó khủng hoảng chậm chạp, đưa ra những phát ngôn trái ngược với giới chức y tế và lan truyền thông tin sai lệch về nCoV. Trong khi đó, Trump cáo buộc đảng Dân chủ và giới truyền thông phóng đại rủi ro từ dịch bệnh để tấn công chiến dịch tái tranh cử của ông.
Một trong những "vũ khí" chủ chốt giúp Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi là thành tựu kinh tế của đất nước. Do vậy, dấu hiệu ảm đạm trên thị trường có thể khiến lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng của Trump lung lay. Các nghiên cứu cho thấy tình hình kinh tế trong năm bầu cử ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến kết quả bỏ phiếu so với tăng trưởng trong suốt nhiệm kỳ.
Cách xử lý dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến mức tín nhiệm của Trump, như việc cựu tổng thống George W. Bush bị chỉ trích vì phản ứng chậm với bão Katrina hay cựu tổng thống Barack Obama "ghi điểm" trong ứng phó bão Sandy. Để bảo vệ uy tín, Trump khẳng định Nhà Trắng có kế hoạch "hoàn hảo" với Covid-19 và chỉ ra những hành động kịp thời của chính phủ.
Bất chấp điều đó, Trump dường như ngày càng khó kiểm soát tình hình khi nCoV không ngừng lan rộng. Theo kết quả khảo sát của YouGov-Economist, tỷ lệ bất tín nhiệm với cách Tổng thống Mỹ đối phó Covid-19 từ tháng 2 đến tháng 3 tăng đột biến.
Giới chuyên gia cũng đánh giá những hành động của Trump trước dịch bệnh là "không thể chấp nhận được" theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Ông cho rằng Covid-19 sẽ biến mất khi thời tiết ấm lên và không xét nghiệm nCoV dù đã bắt tay, ngồi chung chuyên cơ với hai nghị sĩ, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm nCoV và đã phải tự cách ly.
Trong khi đó, người dân Mỹ đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống tồi tệ nhất. "Tôi đã cố đối mặt với dịch bệnh một cách hợp lý nhất có thể, nhưng không thể ngừng nghĩ về nó hàng chục lần mỗi ngày", Rance chia sẻ.