Wn/vi/Úc quyết không 'ngậm bồ hòn' trước Trung Quốc

< Wn‎ | vi
Wn > vi > Úc quyết không 'ngậm bồ hòn' trước Trung Quốc

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020


Template:Wn/vi/ÚcTrung Quốc ngày càng gây sức ép quyết liệt hơn với Úc, nhưng sự "chèn ép" này sẽ khiến Canberra thêm cứng rắn thay vì nhượng bộ.

Khi Úc đề xuất điều tra quốc tế về nguồn gốc nCoV, một số chính trị gia, doanh nhân nước này phản đối vì lo ngại sẽ khiến mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Trong cuộc phỏng vấn hôm 30/4, Kerry Stokes, một trong những tài phiệt giàu nhất Úc, cảnh báo không nên chọc giận "nguồn thu lớn nhất của chúng ta", trong khi ông trùm khai thác mỏ Andrew Forrest kêu gọi trì hoãn bất kỳ cuộc điều tra nào.

Nhưng khi Bắc Kinh ngày càng gia tăng áp lực với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Úc, những tiếng nói thúc giục "làm hòa" với Trung Quốc dần biến mất.

Ba tuần trước, Trung Quốc áp thuế với lúa mạch Úc và dừng nhập thịt bò từ 4 lò mổ lớn nhất nước này. Cuối tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo người dân không đến Úc vì "tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng đáng kể đối với người Trung Quốc và người châu Á". Tuần này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo tương tự với du học sinh chuẩn bị trở lại các trường đại học Úc khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng 7.

James Laurenceson là giám đốc Viện Quan hệ Úc - Trung Quốc, được thành lập với sự đóng góp của tỷ phú bất động sản Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc và nhận hỗ trợ từ Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Ông cho biết "giờ gần như không có tiếng nói nào đồng cảm với những động thái gay gắt gần đây của Bắc Kinh, trái ngược với trước đây".

Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, gọi căng thẳng hiện giờ là "chiến tranh thương mại Úc - Trung Quốc". "Trung Quốc càng thúc đẩy trừng phạt thương mại đơn phương thì sẽ càng có ít tiếng nói ôn hòa ở Úc kêu gọi làm lành với họ", ông nói. "Khi các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng, thật khó để bênh vực rằng Trung Quốc không cố tình dùng thương mại làm vũ khí gây sức ép".

"Dư luận Úc giờ ác cảm với Trung Quốc đến mức những người kêu gọi hai bên làm lành như trùm khai thác mỏ Andrew Forrest bị gọi là 'kẻ phản bội'", Salvatore Babones, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney, nói. "Trung Quốc càng cứng rắn thì Úc càng không chùn bước".

Ngày 11/6, Thủ tướng Scott Morrison nói rằng Úc sẽ "không bao giờ chùn bước vì các lời đe dọa" hay từ bỏ các giá trị của mình vì các "biện pháp chèn ép" của Trung Quốc hoặc bất cứ nước nào khác.

Nếu lượng du khách và sinh viên Trung Quốc đến Úc giảm trong thời gian dài, đó có thể là đòn giáng mạnh vào ngành du lịch và giáo dục quốc tế Úc, vốn đã lâm vào khó khăn vì Covid-19. Trước đại dịch, khoảng 1,4 triệu người Trung Quốc đến Úc mỗi năm, tiêu khoảng 8,3 tỷ USD. Du học sinh Trung Quốc giữ vị trí quan trọng trong ngành giáo dục quốc tế trị giá 26 tỷ USD của Úc, chiếm khoảng 11% tổng số học sinh.

Quan hệ Úc - Trung Quốc gặp thử thách trong những năm gần đây khi các mối quan ngại về an ninh quốc gia đã vượt lên trên cân nhắc về lợi ích kinh tế. Canberra, đồng minh quan trọng của Washington, thông qua luật chống nước ngoài can thiệp, cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G. Tuy nhiên, các tiếng nói ôn hòa kêu gọi hợp tác trước đây vẫn lấn át quan điểm "diều hâu".

Mặc dù Bắc Kinh không thừa nhận bất kỳ mối liên quan nào giữa những cảnh báo đi lại và hạn chế thương mại với căng thẳng về cuộc điều tra nguồn gốc nCoV, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đầu tuần này bày tỏ hy vọng Úc có thể làm việc với Trung Quốc trên "cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, làm những việc có lợi cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".

Nguồn dẫn edit